Ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) có HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Kiên Nga là một minh chứng điển hình về nâng tầm dược liệu cho miền sơn cước để giúp người dân có đời sống khấm khá hơn.
Tạo ra sản phẩm giá trị cao
HTX này hiện có 3 sản phẩm OCOP 3 sao là ngũ cốc sâm dây, sâm dây ngâm mật ong, trà ngọc linh tâm, hiện đã có mặt khắp cả nước từ Quảng Nam, Tp.Đà Nẵng đến Hà Nội, Hải Phòng, Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
![]() |
HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Kiên Nga đang tập trung vào khâu chế biến những sản phẩm từ dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Năm vừa qua, nhờ đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường mà 3 sản phẩm nêu trên đã tiêu thụ khá tốt. Như sản phẩm ngũ cốc sâm dây có mức giá 200.000 đồng/hộp/500g, HTX đã bán được hơn 20.000 hộp; sâm dây ngâm mật ong có giá 300.000 đồng/hộp/310g, bán được hơn 70.000 hộp; trà Ngọc Linh Tâm bán ra hơn 100.000 hộp với giá 100.000 đồng/hộp/250g.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Hiệp, HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Kiên Nga thời gian qua đã phát huy tiềm năng, thế mạnh dược liệu của địa phương. Trên nền tảng sản phẩm OCOP từ nguồn thảo dược huyện Phước Sơn, HTX đã thu mua nguyên liệu cho người dân và giải quyết vấn đề việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương.
HTX còn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ xây nhà, giúp dụng cụ học tập cho học sinh, giúp đỡ sinh kế, nhu yếu phẩm cho các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Giám đốc HTX Kiên Nga là chị Nguyễn Thị Nga, được đánh giá là người luôn nặng lòng, trăn trở với việc nâng tầm nguồn dược liệu ở xã Phước Hiệp nhằm giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, thực hiện mục tiêu là phát triển kinh tế gắn với phát triển cộng đồng.
Như tâm sự của chị Nga, huyện Phước Sơn là một thủ phủ dược liệu của Quảng Nam. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi đã giúp cho dược liệu ở đây có dược tính rất cao. Nguồn dược liệu dồi dào nhưng lại đang bị sử dụng một cách lãng phí, người dân địa phương cung cấp những sản phẩm thô cho các lái buôn với giá rất rẻ. Giá trị cao như thế, đáng ra phải có một giá thành cao tương xứng.
Chính vì thế, sau khi thành lập HTX, chị Nga cùng với các thành viên đã bắt tay vào sản xuất nhằm nâng tầm các loại dược liệu như sâm dây, sâm cau, sâm ngọc linh, mật ong rừng, gạo lứt, sơn trà, hoa xuyến chi…Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt từng công đoạn sản xuất, các sản phẩm của HTX luôn tối ưu công dụng của từng loại dược liệu.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Từ sự tâm huyết với các loại dược liệu quý của quê hương mà 3 sản phẩm chủ lực của HTX đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2023 và 2024. Nhờ đó, lượng khách hàng của HTX đã tăng lên đáng kể, đối tượng mua sản phẩm được mở rộng bao gồm các khách lâu năm và cả khách tiềm năng như các cơ quan nhà nước, đại biểu các tỉnh thành… Mục tiêu của HTX không chỉ dừng lại ở chuẩn OCOP 3 sao mà nâng lên 4 sao, 5 sao.
![]() |
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng đang nỗ lực mở rộng diện tích trồng cây dược liệu là ba kích tím. |
Không chỉ ở Phước Hiệp, để nâng tầm cây dược liệu tại địa phương, huyện Phước Sơn hiện đã tập trung mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hợp tác từ các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.
Như ở xã Phước Năng có HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng vừa mở rộng diện tích trồng cây dược liệu là ba kích tím lên hơn 3.000m2. HTX còn liên kết với 30 hộ dân thâm canh trồng khoảng 5ha.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết HTX đang cải tạo đất, tiếp tục trồng thêm 5ha tại xã Phước Hiệp trong thời gian tới. Loại giống chủ lực để phát triển, liên kết là ba kích tím Phước Sơn.
Theo chị Hằng, cây keo trước đây trồng 5-6 năm nhưng mỗi cây giống chỉ bán được 15-20 nghìn đồng. Còn ba kích không tốn công chăm sóc, chỉ trồng 3 năm nhưng mỗi gốc nặng 1,5kg, người mua giá thấp nhất cũng hơn 100 nghìn đồng/kg. Trồng ba kích tỷ lệ rủi ro thấp hơn các cây khác, vì tài sản của mình nằm ở dưới đất, không sợ gió bão.
Cơ duyên đưa chị Hằng đến với việc trồng cây dược liệu là khoảng 5 năm trước, khi xem một chương trình truyền hình về mô hình kinh tế tiêu biểu miền núi, chị đã ấn tượng với mô hình trồng ba kích ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, chị tìm đến tận nơi, tham quan và học hỏi mô hình. Khi thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đó có nét tương đồng với Phước Sơn, chị Hằng đã nhập giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 500m2 đất của gia đình.
Tiếp đó, chị Hằng di thực cây ba kích tím bản địa từ rừng về vườn trồng, nhân giống. Cả hai loại ba kích đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ sau 3 năm, chị bắt đầu thu hoạch và được khách hàng đến hỏi mua với giá khá cao.
Mở ra sinh kế bền vững
Ngoài 2 HTX nêu trên, thời gian qua, huyện Phước Sơn đã quy hoạch diện tích khoảng 1.000ha trồng dược liệu với tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, do địa hình đặc thù với nhiều vùng núi cao, vực sâu nên vùng dược liệu không nằm tập trung mà phân bố rải rác ở các xã. Trong đó, có vùng rộng khoảng 590ha ở xã Phước Công và Phước Chánh được quy hoạch chuyển đổi từ cây keo sang các cây trồng gỗ lớn, xen canh dược liệu.
![]() |
Việc nâng tầm phát triển cây dược liệu ở Phước Sơn đang thể hiện vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác. |
Ngoài ra, theo giới chuyện gia, huyện Phước Sơn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng cùng hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Điều mong đợi là trong hoạt động kinh tế hợp tác nhằm nâng tầm cây dược liệu và mở ra sinh kế bền vững cho người dân nơi đây rất cần các HTX chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết, giám sát chặt chẽ từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, giúp bà con có đầu ra ổn định.
Mặt khác, việc nâng cao giá trị kinh tế, việc thay thế diện tích trồng keo bằng rừng trồng gỗ lớn và xen canh cây dược liệu nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài là phương án được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả và bền vững cho người dân Phước Sơn. Trong khi chờ rừng gỗ lớn phát triển, việc trồng xen các loại cây dược liệu như ba kích, đẳng sâm, sa chi, sa nhân... sẽ tạo ra nguồn thu nhập ngắn hạn.
Bên cạnh đó, để phát triển cây dược liệu ở Phước Sơn một cách hiệu quả với vai trò chủ chốt của kinh tế hợp tác thì sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam là rất quan trọng. Đặc biệt là định hướng sản xuất bền vững, nâng tầm cây dược liệu từ “kho báu” của rừng, kết nối giao thương với các doanh nghiệp và nhà thu mua, quảng bá nhằm đưa sản phẩm chế biến từ dược liệu của các HTX được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Người dân ở miền sơn cước Phước Sơn cũng cần được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu và nhân rộng những mô hình trồng, chế biến dược liệu hiệu quả, từ đó giúp cuộc sống người dân địa phương được nâng lên.
Và điều quan trọng là người dân nơi đây cũng phải thay đổi tư duy trông chờ, nên có sự chủ động trong quyết định chọn giống cây dược liệu phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi lẽ, trong việc phát triển dược liệu bền vững, đầu ra sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình này.
Thanh Loan