Một xưởng tái chế thép ở Đa Hội |
Theo những vị cao niên trong phường Châu Khê, nghề truyền thống sản xuất sắt, thép Đa Hội ra đời cách đây gần 500 năm. Trước đây, nghề làm sắt, thép chỉ duy trì trong thôn Đa Hội. Nhưng ngày nay, nghề này đã lan ra khắp các khu phố trong phường.
ATLD chưa được chú trọng
Cùng với sự phát triển của CNH-HĐH, năm 2000, những người sản xuất nơi đây nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy móc như máy dập, máy cán, các dây chuyền rút sắt, đúc phôi... hình thành cụm công nghiệp làng nghề đầu tiên trong cả nước.
Hiện làng nghề có gần 1.800 hộ chuyên đúc và cán thép, hàng năm xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn thép ra thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại chỗ và các vùng khác.
Theo ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch UBND phường Châu Khê, do đây là nghề công nghiệp nặng, sử dụng sức lao động cơ bắp là chính, nên những ngày bình thường thu hút 6.000 - 7.000 lao động làm việc tại các xưởng tái chế sắt. Hơn 1 năm nay, do đầu ra cho sản phẩm sắt gặp khó khăn, nên số lượng lao động chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 người.
Mặc dù UBND phường đã quán triệt vấn đề bảo đảm ATLĐ, nhưng tại các cơ sản xuất cũng như người lao động (NLĐ) chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Hàng ngày, lao động tại các cơ sở sản xuất thường xuyên làm việc trong môi trường thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động (BHLĐ) cần thiết. Số cơ sở sản xuất có mua bảo hiểm và có trang bị BHLĐ cho NLĐ theo quy định rất ít.
“Hàng năm trong phường đều xảy ra TNLĐ thương tâm gây tử vong. Tai nạn dễ gặp phải đối với NLĐ trong nghề tái chế sắt là bị sắt đâm chảy máu. Thậm chí, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây thương vong lớn do nổ bình hơi, lò đúc, bị máy cán dập nát hoặc mất bàn tay...”, Ông Hiền cho biết thêm.
Vì miếng cơm, manh áo
Đi dọc con đường chính ở phường Châu Khê vào một ngày hè nóng bức, dễ nhận thấy cảnh hàng chục người đàn ông lưng trần phơi nắng, đầu không đội mũ ngồi ngay ngoài đường hàn sắt. Những tia lửa sắt bắn ra tung tóe, nhưng có rất ít người được trang bị kính bảo vệ.
Anh Nguyễn Văn Hùng - một thợ hàn sắt, thuê quê ở Bắc Giang, cho biết những công cụ BHLĐ thường do tự chuẩn bị, khi hàn với thời gian ngắn thì mình quay mặt đi, không nhìn vào tia lửa. Vì thế mà nhiều người chủ quan không dùng kính bảo vệ mắt khi hàn. Với công việc này, tai nạn thường xuyên nhất là bị bỏng bởi tàn lửa bắn ra, hoặc mắt bị tổn thương do phải nhìn quá nhiều vào tia lửa.
Vào thăm một cơ sở sản xuất sắt với vô số lò đúc, cán, mạ thép luôn rực lửa, nhiệt độ trong lò nung lên đến hơn 1.000oC tỏa ra xung quanh, khiến không khí nóng hầm hập. Nhưng điều đáng buồn, là những công nhân này luôn coi thường vấn đề an toàn của bản thân, không sử dụng công cụ BHLĐ khi làm việc. Nhìn những người đàn ông chỉ mang theo 1 đôi găng tay vải, dùng kẹp sắt nhặt những thanh sắt nóng đỏ để gọn sang bên nhường chỗ cho những thanh sắt khác nối tiếp nhau ra lò mới thấy hết vất vả, nguy hiểm của công việc.
Tại khu vực phường Châu Khê, nhiều lao động tự do ngồi la liệt đợi chủ thuê vào làm công trong xưởng sản xuất. Anh Hoàng Văn Lợi (Thái Nguyên) cho biết, công việc hàng ngày của anh là làm “cửu vạn”, bốc dỡ 1 tạ phôi sắt V, sắt cây… được 30.000 đồng tùy loại. Với cái giá như thế nhưng ai cũng mong có nhiều hàng để làm. Một ngày phải cõng trên vai vài tấn sắt, thép nên cứ 1 tuần anh phải nghỉ 3 ngày để hồi phục sức.
Anh Lợi tâm sự, làm ở đây tuy ngày công cao nhưng hàng ngày đối mặt với hiểm nguy, có người phải bỏ nghiệp vì vỡ xương chậu khi dỡ hàng bị ngã từ trên cao xuống. Dù biết làm việc trong môi trường thiếu an toàn, thiếu trang thiết bị BHLĐ cần thiết, nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người thợ tại Châu Khê hàng ngày vẫn cần mẫn lao động.
T.Hiền