Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 từ năm 2013, HTX Hòa Thành hiện có 33 thành viên, hàng chục hộ liên kết, tổ chức sản xuất 3 loại cây trồng chính là lúa, thanh long và cây màu. Trong đó, lúa đang là cây chủ lực với tổng diện tích hơn 80 ha.
HTX đang gặt thành công nhờ sản xuất an toàn |
Chú trọng sản xuất an toàn
Ông Đỗ Văn Mao – Giám đốc HTX, cho biết để nâng cao hiệu quả sản xuất, hơn 5 năm qua, HTX đã chủ động đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các phương thức canh tác hiện đại, chú trọng cơ giới hóa gắn với ATLĐ.
Sản xuất an toàn là dấu ấn nổi bật nhất của HTX. Từng thành viên, người lao động HTX đều được tập huấn để trở thành những chuyên gia đồng ruộng, không chỉ nắm vững khoa học – kỹ thuật mà còn có ý thức cao về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, các thành viên đều có kiến thức về sử dụng thiên địch để phòng trừ dịch bệnh hại, qua đó giảm thiểu các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người sản xuất.
Hay trong quá trình sử dụng máy móc, từng thành viên đều được đào tạo để sử dụng thành thục các loại máy móc, thiết bị, đủ khả năng ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình lao động sản xuất, đảm bảo hiệu quả canh tác, ATLĐ.
“Phát triển thâm canh lúa, thành viên HTX đang nắm vững 5 nguyên tắc cơ bản gồm trồng và chăm sóc cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng, phòng trừ dịch hại an toàn và bảo vệ thiên địch”, ông Đỗ Văn Mao nhấn mạnh.
Đặc biệt, đến nay, HTX đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhân viên đảm nhiệm chuyên môn từng khâu như cung ứng giống và vật tư nông nghiệp, làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, dự tính dự báo sâu bệnh, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết.
HTX đang hướng tới mở rộng diện tích thâm canh theo hướng VietGAP |
Hiệu quả liên tục gia tăng
Giám đốc HTX Đỗ Văn Mao phân tích: “Sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại 4 cái lợi cho HTX. Đầu tiên là an toàn thực phẩm, thứ hai là bảo vệ môi trường, thứ ba là tuy xuất nguồn gốc và thứ tư là đảm bảo ATLĐ cho thành viên”.
Nhờ những bước đi hiệu quả, an toàn, kể từ năm 2017, HTX được địa phương hỗ trợ thâm canh lúa theo phương pháp SRI (mô hình khảo nghiệm mật độ gieo áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước).
Phương pháp thâm canh mới đã mang lại những kết quả ấn tượng về năng suất, chất lượng lúa. Theo phân tích, tổng chi phí cho 1ha lúa của trong mô hình SRI là gần 22 triệu đồng, thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình là 22,7 triệu đồng. Lợi nhuận của mô hình SRI cũng cao hơn sản xuất thường 2,6 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, tại các điểm triển khai mô hình cho thấy, việc áp dụng SRI giúp HTX giảm 25-40% lượng giống so với canh tác truyền thống. Áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm trên diện rộng, thành viên và nông dân liên kết với HTX Hòa Thành (với 80ha lúa) mỗi năm tiết kiệm được trên 1.000m3 nước…
Không chỉ mang lại hiệu quả trong sản xuất, đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng hạt giống lúa chất lượng, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con trong và ngoài HTX như dịch vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, làm đất đến thu hoạch, bao tiêu sản phẩm với giá trị thu mua cao hơn giá thị trường.
Hưng Nguyên