Những luống rau đang phát triển tươi tốt báo hiệu hướng đi hiệu quả của HTX nông nghiệp Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ). Đáng chú ý là tất cả diện tích sản xuất của HTX đều áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.
Sản xuất theo quy trình
Theo ban giám đốc HTX, dù có kinh nghiệm trong sản xuất rau màu nhưng chỉ 2 năm gần đây, các thành viên mới chuyển hẳn sang trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn.
HTX hiện có gần 40 thành viên, trồng 8ha các loại bắp cải, cà chua, su hào... Để duy trì hoạt động hiệu quả, HTX xây dựng kế hoạch hằng tháng và theo từng khung thời vụ để hướng dẫn các thành viên gieo trồng, đặc biệt là tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn để các sản phẩm được cung ứng vào các cửa hàng, nhà hàng... Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 2 tấn rau các loại.
Trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng thích lựa chọn loại rau sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay từ khâu làm đất đều được các thành viên chú trọng nhằm đảm bảo độ tơi xốp, hạn chế phát sinh sâu bệnh.
Việc sử dụng phân chuồng, kết hợp với xử lý nấm vi sinh và gieo trồng theo hình thức mùa nào thức ấy được triển khai. Tuy nhiên, HTX không trồng đại trà, mà phải phân lô rõ ràng. Mỗi hộ canh tác trên một diện tích nhất định, trồng xen các loại rau để hạn chế phát sinh sâu bệnh. Nhờ đó, các loại rau của HTX đều được khách hàng đánh giá cao, hiếm có việc khó khăn về đầu ra trong suốt 2 năm gần đây.
Cũng sản xuất rau an toàn, xã Trung An (Vũ Thư) đã khuyến khích người dân liên kết thành các tổ hợp tác (THT). Đến nay, xã đã hình thành được THT với sự tham gia của 54 thành viên sản xuất trên diện tích 65.000m2.
Cánh đồng sản xuất rau an toàn tại xã Trung An. |
Trồng rau an toàn đòi hỏi nhiều công lao động, do phải chuẩn bị các vật tư sản xuất từ khâu làm đất, phân bón, nước tưới, đến biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Chính vì vậy, THT đã sử dụng phân ủ từ men vi sinh với phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng để bón cho rau. Không ít hộ đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhằm giảm sức lao động.
“Trồng rau VietGAP không những đảm bảo sức khỏe cho người trồng mà còn đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững nên được các thành viên áp dụng lâu dài và tiến tới mở rộng quy mô sản xuất”, bà Nguyễn Thị Miên, thành viên THT sản xuất rau an toàn xã Trung An cho biết.
Thông thường, 1ha trồng rau theo hướng an toàn sẽ đạt doanh thu khoảng trên 100 triệu đồng mỗi vụ, đây là nguồn thu nhập khá cao đối với người nông dân.
Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, việc hình thành các chuỗi liên kết và phát triển trồng rau theo hướng an toàn là cách làm hay và hiệu quả. Tại các THT, HTX, người dân không chỉ có thu nhập cao nhờ trồng rau mà đồng ruộng ở đây vẫn giữ được nguyên trạng về quy hoạch, kết cấu vốn có của đất lúa.
Đối với sản xuất nông nghiệp thông thường, thuốc BVTV sau khi đưa vào sử dụng, ngoài hấp thụ vào cây và thẩm thấu qua đất thì phần lớn sẽ theo mưa trôi xuống các con sông, ao, hồ, làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước xung quanh khu vực sản xuất.
Tuy nhiên, quy trình trồng rau an toàn hạn chế đến mức thấp nhất các loại phân, thuốc hóa học, thay vào đó là các loại phân thuốc hữu cơ. Do đó, sản xuất không chỉ an toàn cho cả người sử dụng mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Ông Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc HTX Quỳnh Hải cho biết, các thành viên khi áp dụng quy trình VietGAP đều phải sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”. Tại vùng sản xuất cũng phải có bể chứa thuốc BVTV nhằm hạn chế phát tán nguồn ô nhiễm. Hiện, HTX cũng đầu tư nhà sơ chế, thực hiện thu gom chất thải từ nguồn rau không đạt yêu cầu để phục vụ chăn nuôi hoặc ủ làm phân vi sinh, từ đó hạn chế nguồn chất thải ra môi trường.
Sơ chế rau giúp hạn chế chất thải ra môi trường. |
Thực tế cho thấy, việc sử dụng thuốc BVTV vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều nông dân đã lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích, sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng.
Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Trong đó, việc thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn như VietGAP, nông nghiệp hữu cơ... là việc làm đang được đẩy mạnh.
Bên cạnh hỗ trợ người dân áp dụng quy trình kỹ thuật, tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về tự sản xuất phân hữu cơ, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.
Như Yến