HTX Măng tây xanh Thái Bảo được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, có diện tích 3 ha, trồng 30.000 gốc măng tây, vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng/1 ha.
Hiện nay, HTX thực hiện sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày cung cấp cho các thị trường khoảng 150 kg măng tây.
Mô hình trồng Măng tây VietGAP của HTX Thái Bảo
Những mô hình tiền tỷ
Sản phẩm măng tây của HTX đã được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Chứng chỉ Thương hiệu thực phẩm an toàn năm 2016.
Do chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, sản phẩm măng tây của HTX được thị trường đánh giá cao, hiện có doanh thu ổn định hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí có lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng hoa của anh Ngô Ngọc Huy (thôn Bảo Ngọc) cũng là một trong những trang trại đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ diện tích ban đầu khoảng 2ha, gia đình anh đã quy hoạch 1,2 ha chuyên trồng hoa cúc vàng, 0,3 ha trồng hoa hồng và diện tích trồng thử nghiệm những giống hoa mới.
Qua thực tế sản xuất, nghề trồng hoa tuy có vốn đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỷ mỷ, nhưng lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với cấy lúa. Chính hiệu quả mang lại từ trồng hoa, anh dự định thuê thêm đất mở rộng quy mô sản xuất lên 4 ha.
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Xuềnh (thôn Tân Hương) được xem là trang trại lớn nhất của huyện Gia Bình, vốn được xây dựng trên diện tích đất của 12 chủ lò gạch cũ. Với diện tích 12 ha, ông Xuềnh đã bố trí 7,5 ha chuyên trồng cây màu, gồm 2 vụ cà rốt và 1 vụ cải ngọt, 3 ha làm ao thả cá. Diện tích còn lại cùng với bờ ao được bố trí trồng trên 1 vạn gốc chuối. Ngoài ra, ông còn bố trí nuôi bò sinh sản, nuôi lợn và các loại gia cầm khác.
Với quy mô lớn, được bố trí khoa học, trang trại của gia đình ông mỗi năm đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, đồng thời đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động.
Hướng tới phát triển bền vững
Đến nay, toàn xã Thái Bảo đã hình thành hàng chục trang trại tổng hợp, sản xuất theo mô hình kinh tế VAC, hoặc sản xuất chuyên canh. Chỉ riêng lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã có thu nhập 10,3 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế trang trại, xã cũng chú trọng quy hoạch lại sản xuất, bố trí 85 ha đất bãi thành vùng chuyên canh sản xuất cây màu. Diện tích cấy lúa được tích tụ, hình thành những ô thửa lớn, gắn với mở rộng diện tích vụ Đông trên đất 2 lúa, nâng giá trị sản xuất 1 ha đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Trong phát triển sản xuất CN-TTCN, xã đã định hướng, khuyến khích các hộ mở các loại hình sản xuất, kinh doanh có khả năng tiếp nhận lao động nông thôn, lao động chưa qua đào tạo vào làm việc như: May mặc, kinh doanh dịch vụ nhờ đó đến nay trên địa bàn đã có 12 công ty, doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất nhỏ, góp phần tạo việc làm cho hầu hết lao động nông thôn, đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 37,14 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 1,2%.
Có thể thấy sau 7 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ được tập quán làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, hình thành cách làm ăn mới; sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất.
Với nền tảng sẵn có, hiện nay xã Thái Bảo đang hướng tới xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Văn Khôi