Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách để thực hiện ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do các chính sách này vừa mới ban hành nên chưa có HTX tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Hiện nay, tỉnh đang tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 cho các HTX, DN và các tổ chức, cá nhân.
HTXchưa được tiếp cận vốn hỗ trợ
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Thành, trên địa bàn huyện có 11 HTX, trong đó có 3 HTX nông nghiệp. Trong lĩnh vực này có 1 HTX có ứng dụng CNC, là HTX Rau an toàn Long Mỹ ở ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc.
HTX thực hiện 2 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất: Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 600m2 và hệ thống vườn ươm cây giống với diện tích nhà lưới 500m2. Hai dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 30% (hơn 340 triệu đồng), còn lại là nguồn vốn đối ứng của HTX.
Hiện nhà màng trồng dưa lưới của HTX được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ của Israel, còn nhà lưới của vườn ươm cây giống được lắp đặt hệ thống tưới tự động béc phun sương.
Anh Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT HTX Long Mỹ, cho biết vừa qua, HTX đã sản xuất vụ dưa lưới đầu tiên với khoảng 2.200 cây giống trên diện tích 600m2. Đến tháng 12.2017, dưa lưới cho thu hoạch, sản lượng trên 1 tấn trái và được một DN ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ.
Đối với vườn ươm giống, mục đích của HTX là cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng, không chỉ cho các thành viên HTX mà còn cho nông dân trên địa bàn.
Thực tế, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đối với HTX là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một việc rất khó. “Không phải muốn ứng dụng là có thể ứng dụng được mà đòi hỏi người nông dân phải tự nâng cao trình độ chuyên môn”, anh Bình chia sẻ.
Dưa lưới trồng trong nhà màng của HTX Long Mỹ
Thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, việc ứng dụng CNC vào sản xuất trong các HTX nông nghiệp còn ít, hạn chế, quy mô còn nhỏ, phát triển thiếu tính bền vững.
Toàn tỉnh mới chỉ có 5 HTX (chiếm tỷ lệ khoảng 8% trên tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh) có ứng dụng CNC. Các HTX ứng dụng CNC đều có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các công ty trong và ngoài tỉnh.
Hiện các HTX này đang áp dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp. Có một số HTX đầu tư hệ thống nhà màng, tưới tiết kiệm nước; trồng thủy canh trong nhà màng hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng cơ giới hoá 1 phần.
Nguyên nhân khiến các HTX ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều là do các thành viên chưa mạnh dạn tiếp cận công nghệ, sợ rủi ro. Các HTX mới chỉ áp dụng CNC tại một khâu hay một công đoạn của sản xuất.
Bên cạnh đó, các sản phẩm được tạo ra từ kết quả ứng dụng CNC trong HTX nông nghiệp chưa được thị trường tiếp nhận rộng rãi. Một nguyên nhân khác là việc thực hiện mô hình ứng dụng CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng còn gặp nhiều khó khăn, không ổn định.
Thời gian tới, để thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó bố trí vốn Chương trình xây dựng NTM hằng năm hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng KH&CN mới...
Giang Hà