![]() |
Ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất của người dân Đông Anh được nâng cao |
Hiện nay, tại các xã trên địa bàn huyện Đông Anh đều chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa. Không ít HTX được thành lập nhằm dẫn dắt người dân sản xuất hiệu quả, thích ứng thị trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng.
Hạn chế đốt rơm rạ
Tại Xã Liên Hà là vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện Đông Anh, có tổng diện tích 521ha đất nông nghiệp, trong đó, 494ha trồng 2 vụ lúa/năm. Sau thu hoạch lúa, lượng rơm rạ phát sinh khá lớn, nhưng số rơm rạ được sử dụng để chăn nuôi, ủ phân… chưa nhiều. Trong khi đó, việc nông dân đốt rơm rạ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường . Trước thực trạng trên HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Liên Hà đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp này vào trồng nấm, ủ phân...
Ông Phạm văn Cường, hộ sản xuất nấm ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà cho biết, gia đình ông mỗi năm thu mua khoảng 70-100 tấn rơm với giá 200.000-250.000 đồng/tạ để phục vụ trồng nấm.
Hiện, nhiều người dân đã chủ động phát triển diện tích nấm và chăn nuôi nhờ tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, mỗi năm địa phương tiêu thụ khoảng 40-50% lượng rơm rạ phát sinh sau thu hoạch...
Không dừng lại ở đó, HTX Liên Hà còn hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ tại ruộng sau thu hoạch. Sau 7-10 ngày, các gốc rạ bị phân hủy hoàn toàn, trở thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, tăng độ tơi xốp cho lớp đất màu. Thấy rõ hiệu quả của mô hình, các hộ dân ở xã Liên Hà đã cùng áp dụng và đạt kết quả rất tốt.
Những biện pháp xử lý rơm rạ này vừa giúp nông dân Liên Hà tăng thu nhập, vừa hạn chế tối đa việc đốt rơm sau gặt, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng.
Phát triển vùng rau an toàn
Tại xã Nguyên Khê, để hạn chế ô nhiễm môi trường, người dân đã phát triển vùng rau an toàn, trong đó, có HTX Sơn Du đã cùng người dân phát triển cánh đồng rau an toàn trên diện tích 50ha. Không chỉ tận dụng nguồn rơm rạ để làm phân hữu cơ, các tàn dư thải ra từ quá trình trồng rau đều được HTX tận dụng ủ với men vi sinh và vôi bột để phục vụ chính diện tích rau đang sản xuất.
Theo Ban giám đốc HTX Sơn Du,trung bình mỗi năm, HTX tận dụng được khoảng 300 tấn tàn dư từ sản xuất để ủ phân. Với biện pháp này, sau khoảng 3-6 tháng, tàn dư nông sản trở thành nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Thấy rõ hiệu quả của mô hình, các thôn khác trong xã tự nguyện áp dụng nên đồng ruộng ở Nguyên Khê đang trở nên xanh, sạch.
Ngoài ra, các biện pháp bẫy bả thủ công, dùng nilon để che phủ rau màu vào vào mùa đông giúp người dân địa phương giải quyết khó khăn từ môi trường và hạn chế sử dụng hóa chất.
Hiện nay, ở Đông Anh hình thành các HTX rau sạch nhằm giúp người dân ứng dụng kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh rau an toàn đi đôi với bảo vệ môi trường như: HTX rau sạch Vân Nội, HTX rau sạch Tằng My, HTX Minh Hiệp…
Các HTX đã giúp diện tích rau an toàn của Đông Anh phát triển trên diện tích khoảng 8.000ha. Nhờ các HTX, ý thức sản xuất an toàn đã được nâng cao.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ HTX, người dân sản xuất. Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, mỗi năm, huyện hỗ trợ các xã 350-400 triệu đồng để thu gom, xử lý. Riêng tàn dư nông sản, huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tận dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi và hộ trồng nấm mở rộng sản xuất, tăng lượng thu mua rơm rạ cho nông dân; khuyến khích các địa phương chủ động xử lý tàn dư nông sản thành phân hữu cơ... góp phần bảo vệ môi trường.
Huyền Trang