Theo thống kê, toàn huyện Bàu Bàng hiện có trên 50 trang trại, cơ sở trồng nấm các loại. Để nâng cao hiệu quả mô hình, huyện đẩy mạnh hỗ trợ mở rộng quy mô, hiện đại hóa quy trình sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác nhằm nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiệu quả kinh tế cao
Kể từ năm 2010, cùng với quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bàu Bàng đã có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình trồng nấm được xem là một trong những điểm sáng, hiện đang được mở rộng tại các xã Tân Hưng, Long Nguyên...
Mô hình trồng nấm phát triển mạnh ở Bàu Bàng (Ảnh TL). |
Điển hình như tại xã Tân Hưng, vào năm 2013, Tổ hợp tác trồng nấm Tân Hưng được thành lập với 12 thành viên. Nhờ liên tục đổi mới phương thức sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, Tổ hợp tác hoạt động ổn định, doanh thu tăng trưởng mạnh.
Anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tân Hưng cho biết, mô hình trồng nấm của đơn vị đang được triển khai trên tổng diện tích hơn 2.000 m2, với 2 mặt hàng chủ lực là nấm bào ngư và nấm linh chi. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác sản xuất trên 80.000 bịch nấm, thu về xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, Tổ hợp tác luôn chú trọng sản xuất sạch, với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ khâu xử lý phôi, trồng, chăm sóc, tưới nước đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói tiêu thụ.
Cụ thể, với nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất phôi nấm, HTX loại bỏ hoàn toàn các loại vật liệu, hóa chất độc hại, thay vào đó là các loại mùn cưa cây cao su, cám gạo, cám bắp… được phân loại và lựa chọn kỹ càng, bảo đảm tiêu chuẩn sản xuất sạch.
Hay trong khâu chăm sóc, HTX áp dụng tưới nhỏ giọt hoặc phun mù để vừa đảm bảo tốt cho nấm sinh trưởng, vừa tiết kiệm nước. Nguồn nước được HTX xử lý để không chứa các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây hại cho nấm và sức khỏe con người.
Các loại rác thải, phế liệu, đặc biệt là các loại bao bì ni lông, vật liệu nhựa luôn được HTX thu gom, xử lý đúng quy định, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều tiềm năng nhân rộng
Theo đánh giá của đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bàu Bàng, cây nấm với đặc tính ít bị bệnh, dễ trồng, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đang cho thấy tiềm năng rất lớn tại địa phương.
Chất lượng là chìa khóa tạo sức hút cho nấm Bàu Bàng (Ảnh TL). |
Đặc biệt, việc trồng nấm, nhất là nấm bào ngư trên địa bàn huyện hiện có thể triển khai quanh năm và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng, với sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Thực tế, chỉ trong 3 năm qua, số lượng mô hình trồng nấm trên địa bàn huyện đã tăng gần 3 lần, từ chưa đầy 20 mô hình năm 2018 lên hơn 50 mô hình vào đầu năm 2021, trong đó có nhiều trang trại nấm quy mô lớn, sản xuất hiện đại.
Đơn cử, cơ sở nấm Nguyên Phúc ở xã Long Nguyên, hiện có gần 7.000 m2 sản xuất, sản lượng bình quận 9 - 10 tấn nấm tươi/tháng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đơn vị đã thực hiện quy trình trại khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Bàu Bàng dự kiến tiếp tục thúc đẩy các dự án hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cho người trồng nấm địa phương.
Huyện cũng chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, thu hút các doanh nghiệp liên kết bao tiêu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất nấm theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, đồng thời chắp cánh cho thương hiệu nấm Bàu Bàng bay xa.
Hưng Nguyên