Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 46 HTX chuyên ngành đang hoạt động, trong đó có 20 HTX trồng trọt, 7 HTX chăn nuôi, 8 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản, 11 HTX kinh doanh tổng hợp.
Hàng loạt điểm sáng
HTX Tân Tiến (xã Mỹ Kim, huyện Kim Sơn) được thành lập từ tháng 10/2014, khởi đầu với 28 thành viên. Đến nay, HTX đã có 40 thành viên, phát triển mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và cung cấp lợn giống trên địa bàn 5 xã Kim Mỹ, Văn Hải, Cồn Thoi, Kim Tân và Kim Hải.
Sau 4 năm hoạt động, HTX Tân Tiến đang thổi một luồng sinh khí mới vào chăn nuôi tại địa phương. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất an toàn và an toàn lao động (ATLĐ) cũng là yếu tố tạo nên sức hút, sự lan tỏa mạnh mẽ của HTX.
Hoạt động trên địa bàn huyện Yên Khánh, HTX nông sản an toàn xã Khánh Thành hiện có 30 thành viên, sản xuất đa canh trên vùng rau hơn 20ha. Năm 2018, HTX đặt mục tiêu sản xuất 1.000 tấn nông sản an toàn (300 tấn rau thân lá và 700 tấn củ quả), lợi nhuận thành viên đạt trên 600 triệu đồng/ha, lợi nhuận HTX đạt 400 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Thẫn - Giám đốc HTX cho biết, để nâng cao hiệu quả, HTX đã phân công cán bộ thường xuyên giám sát, chỉ đạo sản xuất, bảo đảm sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP. Các thành viên được hướng dẫn ghi nhật ký sản xuất, tuân thủ quy trình chăm sóc, bón phân, phun thuốc theo đúng quy định, đảm bảo ATLĐ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Năm 2014, HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) được thành lập với 10 thành viên và vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng. Hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến cây dược liệu, HTX đang có doanh thu xấp xỉ 7 tỷ đồng/năm, mang lại việc làm cho hàng chục hộ gia đình.
Giám đốc HTX Vũ Trung Đức cho biết, từ nay đến năm 2019, HTX đề ra mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ thảo dược lên đến 10.000 tấn/năm, đồng thời đẩy mạnh liên kết, hình thành vùng sản xuất an toàn tập trung, đảm bảo các điều kiện về môi trường, ATLĐ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hướng tới việc xuất khẩu.
Các HTX chuyên ngành tại Ninh Bình đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai |
Xu hướng tất yếu
Kết quả thống kê cho thấy, doanh thu của các HTX chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Có thể kể đến hàng loạt HTX như HTX trang trại Phú Long (huyện Nho Quan), HTX nấm Khánh Vân (huyện Yên Khánh), HTX rau Yên Lộc, HTX khai thác thủy sản Kim Chính (huyện Kim Sơn), HTX nấm Nhật Minh (huyện Yên Mô)...
Với tổ chức chuyên sâu theo từng lĩnh vực, ngành hàng sản xuất, HTX chuyên ngành đang thể hiện tính ưu việt vượt trội, thuận lợi cho việc đồng bộ quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa tập trung, từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đánh giá: “Việc thành lập HTX chuyên ngành là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, qua đó nâng cao lợi ích kinh tế, đời sống, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, người lao động”.
Tuy nhiên, để phát triển sản xuất lớn và thay đổi tư duy của người nông dân, tỉnh Ninh Bình cần dành nhiều nguồn lực và đẩy nhanh tháo gỡ những khó khăn cho các HTX.
Các HTX cần phát huy được vai trò tập hợp, dẫn dắt sản xuất cho thành viên, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo ATLĐ, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.
Minh Nhật