Từ sở thích nghe nhạc, rồi đam mê những cung bậc trầm bổng của âm thanh phát ra từ những chiếc loa khác nhau, đến khi "giới Hi-End Sài thành" đặt cho biệt danh "Sơn Loa", Nguyễn Hùng Sơn trở thành một doanh nhân thành đạt.
Là chuyên gia nghe và đo âm lượng cho các thiết bị nhạc bởi khả năng "thẩm âm" hiếm có, anh hiện là Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Loa Tranh Việt Nam (Art Audio Vietnam).
Trong một lần đi thẩm định âm thanh cho khách hàng, trong lúc thư giãn và nghe nhạc, nhìn những bức tranh treo trên tường, Sơn Loa bỗng lóe lên ý tưởng lạ đời, "Phải chi trong tranh có nhạc thì hay biết mấy? Vậy là tôi quyết chí phải làm cho được một "bức tranh biết hát". Anh nhớ lại. Bạn bè lúc đó ai cũng bảo "thằng Sơn bị khùng!". "Mà không khùng sao được", anh Sơn hồi tưởng, "vì hồi đó tôi kinh doanh loa thùng rất tốt, nổi tiếng cả chợ Nhật Tảo. Vậy mà lại bỏ hết tất cả để bắt tay vào nghiên cứu loa tranh".
Ghép tranh vào... loa
Rồi Sơn bắt đầu mày mò nghiên cứu từ những chiếc loa ngoại xịn đời cũ nhất đến cả những chiếc loa đời mới. Dành được ít tiền là Sơn lại lao vào "phi vụ đốt tiền vào loa". Anh đã bỏ không biết bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian để tự học hỏi, tìm tòi mà không một lời động viên, chia sẻ từ bạn bè, người thân. Rồi Sơn phát hiện ra chỉ có sợi tổng hợp mới có thể vừa vẽ vừa in mà âm thanh không bị thay đổi. Vốn là một chuyên gia về loa, Sơn đã không khó khăn lắm để tìm cách lồng tranh vào những chiếc loa thô kệch, tạo tương tác cực kỳ hoàn hảo giữa kỹ thuật và nghệ thuật: thổi hồn vào loa và làm cho tranh phải cất tiếng.
Thị hiếu người dùng luôn luôn thay đổi nhất là ở giới sành điệu. Giới sành HI-End có thể sẵn sàng bỏ ra vài ngàn đến vài chục ngàn USD để tậu một giàn âm thanh Hi-End mới nhất, dù bộ loa trước đó dân tầm tầm bậc trung còn chưa sắm nổi. "Nhưng, đưa tranh vào loa, chiếc loa ấy sẽ "kéo dài tuổi thọ" do giá trị nghệ thuật của bức tranh. Người ta thường treo tranh cố định trong nhà", anh Sơn giải thích.
Thương hiệu Việt, đẳng cấp quốc tế
Thông thường, một chiếc loa trên thị trường có cấu tạo gồm: 1 bass, 1 treble, 1 mid quen gọi là dòng loa truyền thống. Loa tranh Art Audio có cấu trúc gồm: 4 bass, 8 mid, 4 treble, vì vậy chất âm của nó đã đạt đến mức gần như hoàn hảo.
Giá trung bình cho một sản phẩm loa tranh dao động từ 150 - 350 USD, thậm chí có những sản phẩm có giá vài ngàn USD, tùy theo đơn đặt hàng của khách khách. Theo giới Hi-End Sài Gòn thì đây là cái giá rất cạnh tranh so với những sản phẩm nhập khẩu có tiếng tăm cùng chất lượng trên thị trường, và có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng Mỹ, Italia, Nhật…
Đặc điểm nổi trội của loa tranh là chỉ sản xuất thủ công mà không sản xuất công nghiệp hàng loạt. Để có một sản phẩm âm thanh theo ý muốn, khách hàng sẽ cung cấp cho nhà sản xuất các thông tin về: diện tích nhà, diện tích căn phòng, vị trí đặt loa, mục đích thưởng thức âm thanh (nghe nhạc, karaoke, nhạc tiếp khách…); rồi việc lựa chọn tranh theo ý muốn, kể cả tranh độc bản (sơn dầu, thủy mạc, tranh dân gian, tranh hiện đại…). Loa sẽ được thiết kế kích thước và yêu cầu tương ứng của khách.
Hiện tại, loa tranh Art Audio có nhiều dòng và chủng loại, tùy theo thị hiếu người tiêu dùng như: Violin gia đình, A301 Super cho karaoke, Cello, loa tranh Piano, Art Sub-Pro,… Trung bình mỗi tháng Art Audio sản xuất từ 250 - 300 sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước (Tp.HCM, Hà Nội, miền Trung, …) và xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, Australia, Italia; trong đó xuất khẩu chiếm 35%.
Tính từ ngày xuất xưởng sản phẩm loa tranh đầu tiên đến nay, công ty của anh Sơn đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 3.000 loa cao cấp, con số tuy không lớn nhưng được các khách hàng khó tính nhất ngoài nước cũng như dân sành điệu Hi-End trong nước hài lòng và "chứng nhận" âm thanh đạt đẳng cấp quốc tế, giá thành hợp lý.
Lập nghiệp với 24.000 đồng
Ngay từ thuở biết nghe, biết cảm nhận âm thành ở cái tuổi 15, cậu Sơn đã "ghiền" âm thanh đặc biệt là âm thanh phát ra từ những chiếc loa. Từ tò mò dẫn đến thôi thúc khám phá, Sơn muốn tìm hiểu vì sao loa lại phát ra âm thanh hay đến như vậy.
Dành dụm bằng những đồng tiền tích cóp, Sơn tự lùng sục đi mua mấy cặp loa về, mở tung ra xem cấu tạo bên trong của nó. Dần dần, cậu đã có thể sửa chữa được những chiếc loa thông thường. Vẫn chưa hài lòng, Sơn quyết định rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Sa Đéc, Đồng Tháp để khăn gói lên Sài Gòn "tầm sư học đạo". Ngày ấy, gia tài mà Sơn mang theo chỉ vỏn vẹn 24.000 đồng và 2 bộ đồ, cùng với sự giận dữ của người cha, nước mắt lưng tròng của mẹ. Lên Sài Gòn, Sơn phải bươn chải nhiều nghề để có được tiền mà học nghề loa. Được đồng nào, cậu lại tậu thêm loa với nhiều kiểu dáng khác nhau, chỉ để mở tung ra tìm tòi.
Sự thành thạo về loa tăng lên, Sơn bắt đầu tự tin mở một tiệm sửa loa nhỏ tại chợ Nhật Tảo. "Hồi đó, mỗi ngày sửa loa tôi có thể mua được một miếng đất" Sơn cười nhớ lại. Nhưng Sơn dùng một phần tiền để gửi về quê giúp đỡ cha mẹ, phần còn lại, "đốt hết" cho việc tìm hiểu thêm về hóa chất, keo kết dính, màng, khung, độ dập của loa… Nhìn độ rung của màng, Sơn đã có thể đoán được độ hay dở của âm thanh; chỉ cần nghe qua Sơn đã có thể biết được chiếc loa ấy thuộc đời nào, loại gì…
Hơn 25 năm nghiệp loa với gần 8 năm trời dốc hết tâm lực vào nghiên cứu sáng chế loa tranh, Sơn Loa đã nhận được rất nhiều lời mời về đầu quân cho nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, anh vẫn từ chối chỉ với một lý do duy nhất: tìm lối đi riêng khi quyết định dốc hết tài lực vào loa tranh, để khẳng định một thương hiệu Việt với đẳng cấp quốc tế. Anh được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân chế tác loa" vào năm 2006, và tham gia nhiều triển lãm Hi-End Show, nhiều hội thi Audio trong nước và quốc tế.
Loa tranh là sự kết hợp độc đáo và tinh tế của âm thanh và nghệ thuật, là một tác phẩm "tranh biết hát", tiếng hát trong tranh. |
Uyên Phương
KINH DOANH số 94, ra ngày 20/06/2011