Theo Liên minh HTX tỉnh, tính đến nay, Sóc Trăng có 1 Liên hiệp HTX; 1.181 THT; 209 HTX, trong đó 184 HTX nông nghiệp, 25 HTX phi nông nghiệp, 8 HTX lĩnh vực Thương mại dịch vụ, 8 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX lĩnh vực giao thông vận tải, 2 HTX lĩnh vực xây dựng, 12 quỹ tín dụng nhân dân với 35.342 thành viên.
Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường
Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, sản xuất sạch để chống biến đổi khí hậu cũng như tích cực đưa các địa phương về đích, giữ vững tiêu chí nông thôn mới, các HTX, tổ hợp tác chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng, HTX nông nghiệp Trinh Phú, HTX nông nghiệp Tín Phát…
HTX nông nghiệp Tín Phát (huyện Kế Sách) chuyên trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hàng trăm ha. Đến nay, HTX đã có nhà kho, lò sấy, máy tách hạt, máy xay xát, máy phun đa năng, máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)…
Do được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho quá trình canh tác lúa nên năng suất cao, bên cạnh đó giá lúa của HTX bán ra cũng cao hơn so bên ngoài từ 500 - 1.500 đồng/kg bởi doanh nghiệp liên kết bao tiêu lúa đầu ra.
Về hoạt động kinh doanh dịch vụ, tổng doanh thu trung bình đạt 17 tỷ đồng/năm, gồm: kinh doanh lúa giống, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, dịch vụ thu hoạch lúa, doanh thu từ hoạt động tài chính, tín dụng…
HTX Tín Phát đâu tư máy cuốn rơm phục vụ nhân dân và thành viên. |
Theo ban giám đốc HTX, để có kết quả trên HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân, thuốc hóa học . Toàn bộ phụ phẩm như trấu, rơm đều được tận dụng làm phân hoặc làm thức ăn chăn nuôi, nhờ đó vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa hạn chế nguồn chất thải trong sản xuất.
HTX còn tạo điều kiện cho thành viên tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", và "1 phải, 5 giảm", xây dựng mô hình sinh thái đồng ruộng, từng bước hạn chế sử dụng thuốc BVTV, làm giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Còn đối với HTX nông nghiệp Trinh Phú (huyện Kế Sách), với mong muốn mở rộng thị trường, HTX lựa chọn sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn.
Khi áp dụng quy trình VietGAP, tuy có mất nhiều thời gian hơn so với lối sản xuất cũ nhưng nhiều thành viên cho rằng, việc thay đổi này là tất yếu, bởi để phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển bền vững thì nhà vườn phải chịu khó tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hơn hết, quy trình VietGAP còn giúp trái vú sữa bán ra có giá cao và không tốn chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng các loại chế phẩm sinh học, an toàn sức khỏe con người mà không tác động xấu đến môi trường.
Tích cực thực hiện
Hiện nay, Sóc Trăng có 276.958 ha đất nông nghiệp, chiếm 83,6% diện tích tự nhiên. Trước đây, trong quá trình sản xuất, bà con sử dụng hóa chất nhiều để phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa, đậu trái nghịch vụ… nên môi trường bị ô nhiễm, nông sản không đảm đảm chất lượng xuất ra thị trường.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã đề ra các biện pháp thúc đẩy bảo vệ môi trường. Một trong số đó là cùng Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ người dân, HTX phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Các HTX đã cùng địa phương, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.
Nhiều đợt ra quân nhặt rác thải nông nghiệp, trồng cây xanh, trồng hoa ven bờ ruộng… để nâng cao ý thức từng người cũng được thực hiện.
Trồng hoa ven bờ ruộng vừa tạo cảnh quan vừa hạn chế dịch bệnh cho lúa. |
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng đã cùng địa phương phối hợp với doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây các bể chứa đựng bao bì, vỏ thuốc ở cánh đồng lúa. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, vận động bà con sau khi sử dụng bỏ vỏ thuốc vào đúng bể. Đối với diện tích lúa vào thời kỳ phun thuốc phòng trị bệnh, tổ dịch vụ phun thuốc của HTX sẽ đảm nhận, tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, thành viên ngày càng được nâng cao.
Theo Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng, Liên minh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các chương trình của địa phương về ưu điểm của sản xuất sạch cũng như sự nguy hiểm và tác hại của ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ rác thải nhựa, thuốc bảo vệ thực vật độc hại tới hệ sinh thái và sức khỏe con người, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thành viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng các mô hình sản xuất xanh-sạch.
Đến nay, nhiều mô hình HTX sản xuất khoa học, sản xuất an toàn theo chuỗi đã mang lại hiệu quả tích cực. Gần 80% các HTX đã gắn các hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường.
Huyền Trang