Việt Nam là nước có khí hậu nóng ẩm nên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là điều kiện nảy sinh và phát triển sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng… Do vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh, bảo vệ mùa màng là biện pháp nhằm nâng cao năng suất.
Hài hòa lợi ích
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV bất hợp lý đi kèm với việc không kiểm soát tình hình xả thải khiến môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng.
Với sự thay đổi về nhận thức cùng sự phát triển về khoa học kỹ thuật, không ít địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân đã từng bước thay đổi phương pháp, mô hình sản xuất để hạn chế xả thải chất thải, thuốc hóa học nhằm cải thiện môi trường.
HTX Hương Xoài góp phần bảo vệ môi trường nhờ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP |
Tại Yên Châu (Sơn La), mô hình sản xuất xoài VietGAP của HTX Hương Xoài đã góp phần xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Úc, Trung Quốc, đồng thời phục vụ tiêu thụ nội địa.
Chuyển đổi đất dốc sang trồng xoài không chỉ giúp thành viên và người dân nâng cao giá trị sản xuất mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Những sườn đồi ở khu vực Đèo Chiềng trước kia trơ trụi vì bị mưa lũ xói mòn, rửa trôi, gây ách tắc giao thông và bạc màu thì nay đã được phủ xanh bởi cây xoài.
Sau khi tham vấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, để sản xuất bền vững trên đất dốc, HTX làm đường đồng mức, đào hố đúng kỹ thuật, bón lót các loại phân trước khi trồng. HTX cũng ưu tiên sử dụng phân hữu cơ; chú trọng tạo hình, cắt cành đúng kỹ thuật và tưới nước tiết kiệm nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Các thành viên thực hiện ghi chép sổ nông hộ đầy đủ; áp dụng biện pháp IPM trong phòng trừ các loại sâu bệnh hại… Nhờ đó, quả xoài đã vượt qua quá trình kiểm nghiệm khắt khe về tồn dư hóa chất để đạt chứng nhận VietGAP.
“Trước đây do cây ngô, sắn mất giá, người nông dân bỏ hoang đất đồi nên gia tăng diện tích đất trống đồi núi trọc, nhưng nay, đất đồi đã được phủ xanh. Nhiều người đã giảm được nghèo nhờ tham gia HTX”-anh Hoàng Văn Hoan-Giám đốc HTX, cho biết.
Tương tự như mô hình sản xuất xoài của HTX Hương Xoài, việc trồng tiêu theo hướng hữu cơ đã mang lại cho các thành viên của HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (Đắk R'Lấp, Đắk Nông) nhiều hiệu quả lớn. Ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Đồng Thuận, chia sẻ HTX đang canh tác tiêu hữu cơ. Sản phẩm hồ tiêu đạt nhiều chứng nhận như Euro Gap, GlobalGap, USDA… Gần đây nhất, HTX được chứng nhận là HTX hồ tiêu sinh thái.
Sản xuất theo pháp này, lợi ích đầu tiên thuộc về người nông dân khi họ không phải tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, giúp bảo đảm về sức khỏe. Các thành viên HTX cũng chính là những người đi đầu trong việc tuyên truyền người dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt để bảo vệ môi trường nông thôn.
Đẩy mạnh sản xuất sạch
Sản xuất sạch là việc áp dụng liên tục các quy trình, phương pháp phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Để sản xuất sạch, bên cạnh các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã có không ít mô hình sản xuất theo hướng GlobalGAP, sản xuất hữu cơ. Không chỉ nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản, bảo vệ môi trường, những mô hình này còn giúp thay đổi ý thức người dân trong sản xuất.
Vườn tiêu hữu cơ của HTX Đồng Thuận |
Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay cả nước có gần 3.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Ðối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.420 chuỗi được chứng nhận với 1.538 sản phẩm như rau, củ, quả, lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, tôm, cá tra, các loại trái cây...
Bên cạnh đó, cả nước có 3.287 điểm bán các sản phẩm nông sản sạch được sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó có 854 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay không ít địa phương vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng áp dụng quy trình khoa học. Chính vì vậy, để các mô hình sản xuất sạch đi vào thực tiễn, các địa phương cần hình thành được tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Đây là bước đệm quan trọng giúp người dân tin tưởng và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất sạch, đồng thời thu hút doanh nghiệp cùng liên kết.
Còn theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, của các HTX, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất theo chuỗi để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, hạn chế tình trạng cung thừa cầu.
Huyền Trang