Theo UBND TP. Cần Thơ, tính đến cuối năm 2022, thành phố có tổng cộng 1.904 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,52% và 7.591 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,06% so với tổng số hộ dân của thành phố, trong đó, khu vực đô thị có 1.462 hộ nghèo, khu vực nông thôn có 442 hộ nghèo.
Phát huy vai trò của HTX
Để góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, theo kế hoạch, UBND TP. Cần Thơ đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giảm ít nhất 0,20% số hộ nghèo (tương đương khoảng 726 hộ nghèo) so với năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối tư vấn định hướng nghề nghiệp tìm việc làm khi có yêu cầu.
Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Đỏ đã mở nhiều lớp dạy nghề đan sản phẩm từ lục bình cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương. |
Cùng với đó, TP. Cần Thơ cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 tối thiểu có 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hỗ trợ kết nối việc làm thành công…
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn TP. Cần Thơ đã phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, làm gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX.
Thời gian qua, Liên minh HTX TP. Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố hỗ trợ các HTX tham gia nhiều chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; kết hợp ứng dụng công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Hiện thành phố đã có nhiều HTX đã ứng dụng tiêu chuẩn, công nghệ vào sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa vừa có chất lượng, vừa đạt sản lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, phát huy thế mạnh ngành nông nghiệp của địa phương, thời gian qua, TP đã đẩy mạnh thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới, nhằm tạo dựng chuỗi liên kết quy mô, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên HTX. TP. Cần Thơ đã xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới với vốn điều lệ khá cao (từ 2-7 tỷ đồng) và có tổng diện tích sản xuất từ 500-1.000 ha, phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực.
Cùng với đó, nhiều HTX đã khẳng định vai trò điều tiết các sản phẩm của hội viên HTX, tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh được mùa mất giá. Nhờ đó, cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer
Ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ chủ yếu là đồng bào Khmer sinh sống, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi HTX làng nghề Cờ Đỏ được thành lập đã quy tụ 38 chị em người dân tộc Khmer tham gia đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình và làm dưa chua từ ngó lục bình.
Công việc đan lục bình đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó. Mỗi người đan lục bình tốt, có thể đạt mức thu nhập 150.000 đồng/ngày.
Để vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo có cọng lục bình đẹp, không bị đen, thay vì phải đi mua như trước đây, HTX còn vận động thành viên vớt lục bình trôi trên sông, kênh rạch địa phương đem về cắt, phơi.
Đến nay, bình quân mỗi thành viên HTX thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình, chị em có điều kiện tích cóp, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương.
Với những nỗ lực nêu trên, đầu năm 2023, sản phẩm đan lục bình của HTX Làng nghề Cờ Đỏ đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4.
Ngoài tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên, HTX còn liên kết với trên 100 phụ nữ khắp huyện nhà trong việc gia công sản phẩm đan lục bình, cung ứng cho doanh nghiệp khoảng 3.000 sản phẩm/tháng. Nhờ vậy, phong trào phát triển kinh tế từ nghề đan lục bình gia công đã lan rộng từng ngày.
Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, thành viên HTX cho biết, do xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, nhờ những buổi tập huấn mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ Khmer mà HTX đang triển khai thời gian tới, người dân sẽ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, sinh kế, vừa đảm bảo môi trường, phù hợp triển khai trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với bà con Khmer trên địa bàn.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Trước đây, người dân ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) thiếu nguồn cung cá giống chất lượng, các thành viên thường phải mua con giống trôi nổi với giá cao nhưng chất lượng không đảm bảo, nhất là đối với một số đối tượng nuôi đặc sản.
HTX Cá bè Thới Long có 8 bè nuôi cá trên sông Hậu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. |
Chất lượng con giống không đảm bảo làm gia tăng dịch bệnh trong quá trình nuôi, tỷ lệ thất thoát cao, chi phí tăng... Bên cạnh đó, nguồn cung các loại giống thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao còn khan hiếm nên ảnh hưởng đến kế hoạch đa dạng sản phẩm thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ của HTX.
Chưa kể, người dân nuôi riêng lẻ nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Do đó, để tránh tình trạng nuôi nhỏ lẻ, phân tán và bị ép giá khi xuất bán, mô hình HTX Cá bè Thới Long được hình thành.
Ông Trần Văn Ngàn, Phó giám đốc HTX Cá bè Thới Long, cho biết để có nguồn cung cá giống đảm bảo chất lượng và không phụ thuộc nguồn cung bên ngoài, HTX tìm mua cá giống cỡ lá me, sau đó ương nuôi thành cá thương phẩm. Lúc đầu gặp không ít khó khăn, thất bại, nhưng với sự kiên trì, quyết tâm và không ngừng học hỏi, các thành viên đã đảm bảo được nguồn cá giống chất lượng để nuôi thành cá thương phẩm đạt yêu cầu, giảm hao hụt, thất thoát con giống, giảm chi phí đầu tư…
Bên cạnh đó, với những nỗ lực không ngừng, HTX dần xây dựng được thương hiệu với uy tín và chất lượng, có đầu ra ổn định với hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp.
Hiện, HTX có 8 bè nuôi cá trên sông Hậu với các diện tích: 5mx10m, 6mx12m, 7mx14m. Cứ 6 tháng thu hoạch một lần. Mỗi đợt thu hoạch đạt từ 5-7 tấn cá/bè. Trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn cá các loại, cung ứng cho các chợ đầu mối, các công ty thủy sản…
Giá cá dao động từ 30.000-32.000 đồng/kg, chi phí cho một kg cá từ 10-30%, còn lại là lợi nhuận. Nhờ đó, kinh tế và thu nhập của các thành viên ổn định và ngày càng được nâng cao với thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/năm. Ðặc biệt, có người thoát cảnh khó khăn, đời sống ngày càng tốt hơn.
Có thể thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX ở thành phố Cần Thơ đang ngày càng thể hiện vai trò và tính hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của địa phương và nâng cao đời sống của thành viên, giúp xoá đói giảm nghèo hiệu quả.
Hoàng Hà