![]() |
Quá trình chuyển đổi cây trồng của huyện Quảng Điền đang cho hiệu quả tích cực |
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại lại lợi nhuận bền vững cho người dân, những năm qua, huyện Quảng Điền đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi gắn với an toàn lao động (ATLĐ).
Điển hình, tại xã Quảng Thái, các vùng đất trũng bỏ hoang được người dân tận dụng xây dựng vùng kinh tế tổng hợp với mô hình lúa xen cá, thả sen nuôi vịt nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Anh Nguyễn Thanh Bình (thôn Lại Hà) chia sẻ: “Năm 2017, được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật về chuyển đổi sản xuất an toàn thích ứng biến đổi khí hậu, tôi mạnh dạn chuyển 3,5 ha chuyên sản xuất lúa sang mô hình tổng hợp lúa xen cá, thả sen nuôi vịt và cho thấy hiệu quả cao”.
Nếu thu nhập bình quân cho mỗi ha lúa chỉ đạt 5 triệu đồng/năm, thì hiện nay, với mô hình sản xuất tổng hợp này, gia đình anh Bình thu lãi ròng trên 60 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự, để nâng cao hiệu quả của vùng đất pha cát, xã Quảng Lợi đã chủ động chuyển đổi hơn 150 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu, ớt, ném, dưa hấu… Hầu hết các loại cây sinh trưởng tốt, thích ứng với sự khắc nghiệt của vùng, nổi bật nhất là cây ném và cây dưa hấu.
Với những mô hình này, thu nhập của người dân cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, bình quân mỗi ha dưa hấu cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, và trên 200 triệu đồng/năm/ha đối với cây ném.
Đại diện UBND xã Quảng Lợi cho hay, các mô hình chuyển đổi không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần tạo chuyển biến về tư duy sản xuất, nâng cao ý thức về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ cho người sản xuất trên địa bàn.
![]() |
Các mô hình chăn nuôi tập trung gắn với ATLĐ tại Quảng Điền đang được mở rộng |
Sản xuất an toàn, linh hoạt thích ứng
Về chăn nuôi, đến nay, toàn huyện Quảng Điền có trên 50 trang trại chăn nuôi tập trung, 350 gia trại chăn nuôi gia cầm, lợn; nuôi trồng thủy sản ổn định về diện tích, đa dạng hóa các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi xen ghép theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo ATLĐ…
HTX mây tre Bao La (xã Quảng Phú) là một trong những điển hình trong phát triển sản xuất gắn với nâng cao ATLĐ cho thành viên, người lao động, góp phần vực lại làng nghề mây tre đan truyền thống của địa phương.
Ông Võ Văn Dinh – Giám đốc HTX Bao La, cho biết: “Bên cạnh phát triển kinh doanh, cán bộ của HTX được tham gia tập huấn nâng cao trình độ quản lý. Thành viên, người lao động được trang bị kỹ thuật sản xuất mới, đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất”.
Sự chủ động trong sản xuất, đảm bảo ATLĐ, giúp HTX hoạt động ổn định, tạo việc làm cho gần 90 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, HTX liên tục thay đổi để thích ứng với yêu cầu thị trường. Về chất lượng, HTX đảm bảo tiêu chuẩn từ nguồn nguyên liệu, kỹ thuật đan, đến khi sản phẩm hoàn chỉnh đều ở mức cao nhất.
Đơn cử, về mẫu mã, HTX liên tục nghiên cứu và cho ra đời những mẫu sản phẩm mới. Đến nay, HTX đang có hơn 500 mẫu mã khác nhau như lãng cắm hoa, giá sách, đèn treo trang trí… đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng và tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.
Hạ Vy