Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trong năm qua, với gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM, đơn vị đã hỗ trợ trực tiếp cho các HTX để bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển ngành nghề nông thôn và hỗ trợ sản xuất theo hướng liên kết tạo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ nhiều mặt
Ông Trần Hưng Lợi - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh, cho biết: Các HTX còn được hỗ trợ phát triển lúa giống, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất, kiên cố hóa kênh mương nội đồng… Đây chính là tiền đề để các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, từng bước hình thành sản phẩm chủ lực mang thương hiệu riêng.
Cùng với đó, việc Sở NN&PTNT hỗ trợ thành lập mới các HTX ở những xã chưa có HTX đã giúp các địa phương hình thành hình thức tổ chức sản xuất HTX, từng bước hoàn thành tiêu chí 13. Theo Văn phòng điều phối NTM của tỉnh, toàn tỉnh còn 28 xã chưa hoàn thành tiêu chí 13. Năm 2018, 5/11 xã đăng ký về đích nhưng vướng tiêu chí này.
“Sở NN&PTNT đã hướng dẫn những địa phương này thành lập mới các HTX. Đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, hai địa phương có ít HTX nhất, đã thành lập mới được 5 HTX; giúp 3 xã Đức Bình Tây, Sơn Giang, Ea Ly ở huyện Sông Hinh trả nợ tiêu chí 13 và 2 xã Sơn Định, Sơn Xuân ở huyện Sơn Hòa gỡ khó tiêu chí 13 để sớm về đích vào cuối năm”, ông Nguyễn Lý Nguyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Nguyên, thời gian tới, các HTX kiểu mới sẽ được chọn để tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Phú Yên. Khi đó, vốn và kỹ thuật sản xuất tiếp tục được đưa về các HTX, giúp HTX củng cố sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời, các HTX sẽ được hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn.
Nhờ được hỗ trợ kinh phí, HTX An Nghiệp đã sắm được máy cuộn rơm |
Mang lại lợi ích
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) được hỗ trợ kinh phí mua máy lọc rượu tằm. HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) mua được máy ép dầu đậu phộng. HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) mua máy cuộn rơm. THT trang trại Sơn Ngọc (huyện Phú Hòa) được hỗ trợ cây giống mãng cầu dai.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX An Nghiệp, cho biết: HTX được hỗ trợ 60 triệu đồng để mua máy cuộn rơm, bằng 50% giá trị sản phẩm (120 triệu đồng). Có máy cuộn rơm này cộng với số máy cày, máy gặt đã có, HTX sẽ đảm nhiệm được tất cả các khâu trong sản xuất lúa.
Còn theo ông Nguyễn Dữ - Giám đốc HTX Xuân Phước, HTX được hỗ trợ 90 triệu đồng mua máy ép dầu đậu phộng. Những năm trước, HTX đã nghĩ tới việc mở dịch vụ ép dầu đậu phộng nhưng cũng không đủ vốn mua máy. Nay được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, HTX đã có dịch vụ mới.
Không chỉ các HTX được lợi mà các xã nhờ đó cũng phát triển được sản phẩm của địa phương và duy trì hoạt động làng nghề truyền thống. Ông Phan Hoàng Thám, Chủ tịch UBND xã An Nghiệp, cho biết: HTX được hỗ trợ kinh phí hiện đại hóa trang thiết bị nên sản xuất tốt hơn; giúp sản phẩm gạo của xã đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường.
Theo ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong năm qua, Sở NN&PTNT tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ các HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất, hình thành những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đây là sự hỗ trợ thiết thực giúp hình thành HTX kiểu mới ở tỉnh, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về KTHT.
Minh Duyên