Tuần qua, Tổ công tác số 1 (Trung tâm Các chương trình Kinh tế - xã hội là đơn vị chủ trì) cùng các thành viên phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên khảo sát việc xây dựng các mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại các địa bàn.
Tại tỉnh Hòa Bình
Tổ công tác đã làm việc với Liên minh HTX tỉnh, trao đổi về chủ trương của Đảng đoàn, Thường trực Liên minh trong xây dựng mô hình HTX trên cơ sở nguồn lực được bố trí, cách thức tổ chức, công tác phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Đoàn công tác đã đi khảo sát HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi), HTX Cung ứng và chăn nuôi gà Chí Thiện, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn). Cùng làm việc với Đoàn có đại diện Đảng ủy, chính quyền địa phương, HĐQT, Ban Giám đốc, thành viên các HTX.
Về địa bàn: 2/3 HTX thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Về tổ chức: Các HTX tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012. Về hoạt động: Các HTX đều được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định:
HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi) với số lượng 41 thành viên đã huy động được nguồn lực, quỹ đất của các thành viên, hộ nông dân trong liên kết trồng nhãn Hương Chi với diện tích trồng 34ha (đã hình thành nhãn hiệu tập thể).
Đoàn công tác làm việc với HTX Chí Thiện - Hòa Bình |
HTX đóng vai trò cung cấp nguồn cây giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ cán bộ hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và gom, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch của các hộ thành viên. Thu nhập của các hộ thành viên được cải thiện và ổn định.
HTX Chăn nuôi và cung ứng Gà Chí Thiện (huyện Lạc Sơn) thành lập tháng 5/2017 với số lượng 20 thành viên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) chính là chăn nuôi gà giống, gà thịt, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia cầm. HTX mới chỉ thực hiện việc cung ứng với quy mô hạn chế về con giống, thức ăn chăn nuôi cho các hộ thành viên và hộ dân tại địa bàn xã.
HTX Chăn nuôi Gà đồi Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn) thành lập tháng 12/2016, có số lượng 16 thành viên. HTX thực hiện việc cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh, chế biến gà thịt thành phẩm cho hộ thành viên thông qua lò giết mổ mới được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ đầu tư, sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường cơ bản đồng bộ (đạt khoảng 70%).
Các HTX đều có nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, mở rộng kết nạp thành viên. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, như: Chưa có trụ sở riêng, nguồn vốn hoạt động SXKD hạn chế, sản phẩm hàng hóa đầu ra mới chỉ thông qua các thương lái mua gom, giá trị hàng hóa bấp bênh, bên cạnh đó, năng lực cán bộ, năng lực quản trị HTX hạn chế…
Đảng ủy, chính quyền địa phương và các HTX mong muốn được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và được thụ hưởng nguồn lực từ các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác hỗ trợ cho địa phương, các hộ thành viên nói riêng và người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Đoàn công tác (Tổ công tác số 1 và lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Điện Biên) đã thực hiện khảo sát tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Đây là xã đặc biệt khó khăn, thuộc chương trình 135.
Đoàn công tác làm việc với xã Quài Nưa - Điện Biên |
Tại tỉnh Điện Biên
Làm việc với Đoàn, có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, các trưởng bản Thẳm, bản Bản Chăn, HTX Chăn nuôi gia súc Bản Chăn 2 và đại diện gần 30 hộ dân (thành viên HTX và hộ dân nghèo tại địa bàn).
Xã Quài Nưa có 1.417 hộ đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Kháng thì có tới 600 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,2%). Kinh tế, xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, do địa bàn trải rộng, dân trí không đồng đều, sản xuất chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm.
HTX Chăn nuôi gia súc Bản Chăn 2 thành lập từ năm 2008, đã chuyển đổi theo Luật HTX 2102 từ năm 2016. Trên phạm vi 5 bản, số lượng 18 hộ thành viên, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là chăn nuôi gia súc, HTX có vai trò cung ứng bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các hộ thành viên. Việc chăn nuôi chủ yếu dựa vào tập quán truyền thống là chăn thả tự do trên núi.
HTX chưa có trụ sở làm việc, còn thiếu thốn về vốn, về khoa học kỹ thuật, về trình độ cán bộ.
Chính quyền địa phương và HTX đều mong muốn được tham gia mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, gắn với liên kết HTX trong phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững thông qua hỗ trợ luân phiên cho các hộ thành viên nghèo, hộ nghèo tại xã bò giống sinh sản (2 hộ - 1 con giống), hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc… để các hộ có công cụ, tư liệu sản xuất, có việc làm, ổn định đời sống, thoát nghèo.
Căn cứ vào khảo sát thực tiễn, Tổ công tác sẽ thống nhất với Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, chính quyền địa phương lựa chọn các HTX bảo đảm điều kiện tham gia xây dựng mô hình, phù hợp với nguồn lực Liên minh HTX Việt Nam được bố trí trong năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020.
Nguyễn Nam