Từ đầu năm 2023 đến nay, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Phát triển lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ, chế biến
Theo UBND huyện Ia H’Drai, thời điểm cuối năm 2022, huyện còn 711 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,64% và 932 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 27,05% số hộ dân toàn huyện.
Xác định mục tiêu triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tìm được việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện chất lượng đời sống và thoát nghèo... Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, UBND huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo, trong đó, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.
Cá cơm nước ngọt khô, cá cơm nước ngọt chế biến sẵn (dạng hộp), bánh tráng cá cơm nước ngọt của HTX Dịch vụ - Thương mại - Du lịch - Nông nghiệp công nghệ cao Ia H'Drai được chứng nhận sản phẩm OCOP. |
Một trong những điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn là mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch của HTX Dịch vụ - Thương mại- Du lịch - Nông nghiệp công nghệ cao Ia H'Drai. Mô hình này đang khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương trong nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo cho người dân. Bình quân mỗi tháng, HTX và người dân đón gần 10 đoàn khách du lịch, từ đó giúp nhiều người có thêm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/đoàn.
Hay như tại HTX Nông nghiệp Minh Phúc, chăn nuôi hươu lấy nhung với 4 sản phẩm OCOP từ nhung hươu; HTX nông nghiệp Đồng Tiến; HTX Nông - Lâm nghiệp Ia H’Drai với mô hình trang trại chăn nuôi bò lai sinh sản, trồng cây bò ma lấy gỗ, trồng cây sầu riêng và các loại cây ăn quả khác… cũng mang lại công việc ổn định cho hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ nuôi gà dược liệu
Nhắc đến “bà đỡ” HTX cho giảm nghèo ở huyện Ia H'Drai phải kể thêm HTX Hợp Tiến. Cách đây 3 năm, ở xã Ia Đal đã triển khai mô hình nuôi gà dược liệu với sự tham gia của 30 hộ dân, vừa phòng, chống được dịch bệnh, vừa mang hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sinh kế phù hợp cho người dân địa phương.
Với quy mô chuồng trại 5.000 con. Nuôi gà dược liệu ở HTX phát triển nhanh, gà mạnh khỏe, đến khi xuất chuồng mỗi con có trọng lượng từ 3-3,5kg, giá bán khoảng 120.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Hào, Giám đốc HTX Hợp Tiến, cho biết dược liệu sau khi thu hoạch sẽ được lấy lá, thân (tùy theo từng loại dược liệu) xay nhuyễn như cám và trộn hỗn hợp với nhau làm thức ăn cho gà. Theo mô hình này, toàn bộ diện tích cây trồng dược liệu không chỉ để làm thức ăn nuôi gà dược liệu mà còn giúp người dân có thêm một khoản thu nhập từ việc bán thân, củ dược liệu.
Giám đốc HTX cho biết, khi gà còn nhỏ, tháng đầu tiên chỉ cho ăn cám tổng hợp. Đến tháng thứ hai, trộn dược liệu vào chung với cám cho ăn, sau đó giảm dần tỷ lệ cám cho đến khi bỏ hẳn cám, cho ăn toàn dược liệu.
Dược liệu sau khi thu hoạch sẽ được lấy lá, thân (tùy theo từng loại dược liệu) xay nhuyễn như cám và trộn hỗn hợp với nhau làm thức ăn cho gà. Với mô hình này, toàn bộ diện tích cây trồng dược liệu không chỉ để làm thức ăn nuôi gà mà còn giúp người dân có thêm một khoản thu nhập từ việc bán thân, củ dược liệu.
Theo đó, ngoài làm thức ăn cho gà, lá và thân sả được nấu thành tinh dầu, pha trộn với nước cho gà uống để tăng sức đề kháng; mỗi tháng còn xuất ra thị trường từ 25 - 30 lít tinh dầu sả với giá 400.000 đồng/lít. Ước tính mỗi ha sả cho thu hoạch khoảng 30 tấn thân sả, bán được giá 4.000.000 đồng/tấn.
Với cây nghệ, ngoài việc lấy thân và lá làm thức ăn cho gà, các thành viên trong HTX còn lấy củ chế biến thành tinh bột nghệ xuất ra thị trường. Bình quân mỗi ha nghệ cho khoảng 30 tấn củ, giá bán khoảng 4.000.000 đồng/tấn. Các loại dược liệu khác cũng vậy, ngoài làm thức ăn cho gà, còn chế biến ra các sản phẩm phụ, tùy theo từng loại mà có quy trình chế biến khác nhau.
Mô hình nuôi gà dược liệu của HTX Hợp Tiến tạo ra sinh kế phù hợp cho người dân địa phương vừa mang hiệu quả kinh tế cao. |
Như với cây sả, ngoài làm thức ăn cho gà, lá, thân sả còn được nấu thành tinh dầu, pha trộn với nước cho gà uống để tăng sức đề kháng. Mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường từ 25-30 lít tinh dầu sả. Mỗi héc ta sả cho thu hoạch khoảng 30 tấn thân sả.
Còn cây nghệ, ngoài việc lấy thân, lá làm thức ăn cho gà, các thành viên trong HTX còn lấy củ chế biến thành tinh bột nghệ xuất ra thị trường. Bình quân mỗi ha nghệ cho khoảng 30 tấn củ.
Gỡ khó để HTX phát triển
Ông Võ Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, trước thời điểm Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia H’Drai đã chú trọng đến việc phát triển kinh tế tập thể, nhất là chú trọng đến việc thành lập các tổ hợp tác, HTX trong các lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ, chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo thu nhập ổn định cho thành viên và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.
Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể hiện nay trên địa bàn huyện Ia H’Drai vẫn còn nhiều vướng mắc; một số HTX, tổ hợp tác không mang lại hiệu quả đã giải thể hoặc có nguy cơ sẽ giải thể trong tương lai. Đây chính là rào cản không hề nhỏ để kinh tế tập thể trên địa bàn huyện phát triển.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện, thời gian qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể nhằm làm chuyển biến nhận thức, hành động của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn tới, nòng cốt là HTX, nhất là HTX kiểu mới. Từ đó, tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX và phát huy vai trò của các thành viên HTX trong công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, mục tiêu hướng đến là nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nhất là HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát huy hơn nữa vai trò của Nghị quyết 20-NQ/TW trong việc hỗ trợ thành viên và cộng đồng; liên kết các chủ thể kinh tế khác hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.
Huyện Ia H’Drai phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn có 12 tổ hợp tác, 24 HTX hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định; bảo đảm trên 50% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; có ít nhất 50% tổ chức kinh tế tập thể tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Hoàng Hà