Ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có làng cổ Vi Rơ Ngheo nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên đẹp và hấp dẫn. Ở đây có hồ, thác, rừng và có những đồi hoa lan đang còn nguyên sơ. Làng nằm ven bờ sông Đăk SNghé, giáp lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, có hệ sinh thái phong phú, đặc sắc và là nơi sinh sống 63 hộ dân đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa mới, Lúa thừa, Nhà rông, Đâm trâu, Cúng giọt nước…
Phát huy giá trị làng cổ
Hiện nay, bà con làng Vi Rơ Ngheo có khoảng 28% ngôi nhà sàn được làm theo đúng truyền thống của người Xơ Đăng và hàng trăm kho lúa truyền thống của bà con nơi đây còn mang đậm văn hóa truyền thống còn lưu trữ, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.
Làng cổ Vi Rơ Ngheo nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên đẹp và hấp dẫn, là lợi thế cho HTX khai thác du lịch cộng đồng. |
Với phong cảnh đẹp và văn hóa truyền thống được lưu giữ khá đầy đủ như vậy, từ 3 năm trước huyện Kon Plông đã lên kế hoạch phát triển xây dựng Vi Rơ Ngheo thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng với định hướng phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa. Vào tháng 4/2023, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định công nhận làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo là địa điểm du lịch.
Để phát huy, khai thác thế mạnh của làng cổ này, cách đây vài tháng, ở xã Đăk Tăng đã ra mắt HTX Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. HTX có 53 thành viên, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Hiện nay hoạt động của HTX đang từng bước đi vào ổn định và phát huy hiệu quả với các ngành nghề kinh doanh chính thuộc các lĩnh vực về du lịch cộng đồng như cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động, hoạt động và dịch vụ trồng trọt.
Ông A Hiền, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, cho biết để thu hút du khách đến tham quan thì các thành viên phải làm tốt các khâu dịch vụ và tạo cảnh quan đẹp (chẳng hạn như trồng địa lan) từ trong nhà cho đến thôn làng và ở các ngọn đồi xung quanh làng. Có như vậy, khi du khách đến du lịch ở thị trấn Măng Đen (thuộc huyện Kon Plông, cách Vi Rơ Ngheo khoảng 40km) sẽ tìm về làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo để trải nghiệm.
Theo kỳ vọng của ông A Hiền thì việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở Vi Rơ Ngheo sẽ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX từ việc thu hút được khách đến nhà mình để tham quan, chụp ảnh, ngủ lại nhà mình để kinh doanh Homestay.
Cuộc sống dần khấm khá hơn
Hoặc như ở làng Kon Pring thuộc thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có khoảng 95% hộ gia đình là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Tại đây có Tổ hợp tác liên kết du lịch cộng đồng của làng với 22 thành viên là chị em phụ nữ đồng bào thiểu số trong làng. Mỗi lần có đoàn khách tới thì tổ hợp tác sẽ tập trung các thành viên để đi hái các vật liệu trên rừng, sau đó phân chia ra người nấu ăn, người phục vụ, người đánh cồng chiêng, múa xoang.
Tỉnh Kon Tum được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác. |
Bà Y Lim, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, Kon Pring được công nhận là làng du lịch cộng đồng từ cách đây 5 năm. Từ đó đến nay, đây là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Thời gian qua các Homestay của tổ hợp tác dần dần đông khách. Như Homestay của gia đình bà Y Lim trung bình mỗi tháng đón từ 3 - 4 đoàn khách, mỗi đoàn từ trên 10 người, còn có đoàn hơn 100 người cũng đã đến homestay.
“Trước khi chưa làm du lịch, gia đình tôi rất khó khăn. Nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào thửa ruộng gần nhà, mỗi năm trồng lúa thu lại chả bao. Tôi may mắn được chính quyền địa phương đầu tư làm du lịch, đến nay lượng khách ghé thăm đều đặn. Vì thế cuộc sống của gia đình cũng khấm khá hơn”, bà Y Lim bộc bạch.
Cùng với huyện Kon Plông, các địa phương khác ở tỉnh Kon Tum được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác. Như hồi tháng 2/2023, ở Làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu (xã Đăk Rơ Wa, Tp.Kon Tum) đã thành lập HTX Du lịch- Nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa.
HTX này có 617 thành viên tham gia, tập trung sản xuất, kinh doanh 2 nhóm dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong nhóm dịch vụ phi nông nghiệp: Sản xuất trang phục dệt kim, đan móc, sản phẩm truyền thống địa phương; điều hành tua du lịch (dịch vụ homestay, cồng chiêng, xoang, du lịch học đường).
Kon K’tu là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Kon Tum của người dân tộc Ba Na với tuổi đời trên 300 năm và được xem là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây nguyên hiện nay. Trong làng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là vùng đất có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân tộc Ba Na cần lưu giữ, bảo tồn, phát huy.
Từ ngày làm du lịch, các thành viên HTX Du lịch- Nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa như bước sang trang mới. Trước đây, đời sống của bà con còn khó khăn, vất vả, nhưng từ khi tỉnh Kon Tum phê duyệt và triển khai mô hình làng du lịch cộng đồng đã tạo nên bước “nhảy vọt” lớn cho các thành viên HTX tăng thu nhập từ việc làm dịch vụ du lịch.
Làng Kon K'tu có 146 hộ thì đến hơn 40% bà con tham gia làm du lịch. Điều đáng nói là không còn tình trạng làm du lịch tự phát, đơn lẻ như trước mà bà con cùng tham gia HTX để làm du lịch cộng đồng.
Nhiều thành viên HTX này đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng nghỉ, xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm hấp dẫn như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla… nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Mỗi khi có đoàn khách du lịch đăng ký đến làng để trải nghiệm, HTX phân công nhiệm vụ tổ chức đón tiếp cho từng hộ, từng thành viên ai sẽ đảm nhận phục vụ ẩm thực (cơm lam, gà nướng, rượu cần…), phục vụ diễn xướng cồng chiêng, múa xoang, dẫn khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla…
Hướng đi đúng đem lại hiệu quả thiết thực
Thời gian gần đây HTX Du lịch - Nông nghiệp Đăk Rơ Wa còn đẩy mạnh hoạt động du lịch học đường. Theo ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, hoạt động du lịch học đường của HTX đang triển khai bước đầu đã tạo ra hiệu ứng tốt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các trường học, đông đảo phụ huynh, học sinh. Hy vọng trong thời gian tới đây, HTX sẽ có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đem đến sự trải nghiệm mới lạ, lý thú cho các em học sinh khi đến với xã Đăk Rơ Wa.
Sự tham gia tích cực của HTX, tổ hợp tác trong du lịch cộng đồng đã và đang giúp tỉnh Kon Tum khai thác thế mạnh từ điều kiện sẵn có của người bản địa. |
Điểm nhấn của HTX này là sự huy động tham gia của rất nhiều thành viên, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên, doanh nghiệp và cả các lãnh đạo Tp.Kon Tum.
Theo ông Nguyễn Bá Tâm, Giám đốc HTX Du lịch - Nông nghiệp Đăk Rơ Wa, kỳ vọng lớn nhất của HTX là phát triển mạnh mô hình du lịch học đường. Cụ thể, HTX sẽ phối hợp các trường trên địa bàn Tp.Kon Tum tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm những vườn cây ăn trái, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những ngôi làng cổ trên địa bàn thành phố…
HTX còn tổ chức các gian hàng mua bán nông sản, lương thực, thực phẩm...tại chợ phiên xã Đắk Rơ Wa. Phiên chợ nhằm tạo điều kiện cho bà con địa phương giải quyết vấn đề khó khăn cho đầu ra nông sản, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống địa phương.
Sau khi xây dựng thành công mô hình mẫu làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa) với “nhân tố” HTX, chính quyền Tp.Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển các làng, điểm du lịch cộng đồng tại các khu vực có điều kiện.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 HTX tham gia tổ chức dịch vụ du lịch, gắn kết với mô hình sản xuất các sản phẩm OCOP, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ẩm thực, hoạt động ngành nghề thủ công truyền thống tại địa phương, với 900 thành viên tham gia (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số).
Nhằm giúp các HTX tổ chức tốt các dịch vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp: Bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch; tập huấn bồi dưỡng công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức lớp đào tạo kinh doanh Homestay; lớp về nghiệp vụ nhà hàng, phục vụ ăn uống cho các thành viên HTX.
Có thể nói sự tham gia tích cực của kinh tế hợp tác trong du lịch cộng đồng đã và đang giúp tỉnh Kon Tum khai thác thế mạnh từ điều kiện sẵn có của người bản địa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để làm du lịch cộng đồng. Qua đó giúp bà con dân tộc thiểu số tăng thu nhập, có cuộc sống khấm khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng mà tỉnh Kon Tum đã chọn, và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Thanh Loan