Giám đốc Hoàng Thị Tân cho biết, bên cạnh việc quan tâm đầu tư về chất lượng, HTX Tâm Trà Thái (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) còn chú trọng đến bao bì, mẫu mã sản phẩm, để sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng. Bởi lẽ, ngoài việc mua sản phẩm chè của HTX về uống, rất nhiều khách hàng còn mua để làm quà biếu tặng vô cùng ý nghĩa và giá trị.
Giữ nghề truyền thống
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chè nổi tiếng Thái Nguyên, chị Hoàng Thị Tân luôn nung nấu ý tưởng nâng tầm giá trị sản phẩm chè Tân Cương trên thị trường.
Giám đốc Hoàng Thị Tân tự tay chăm sóc vườn chè của gia đình. |
Chị Tân chia sẻ: Gia đình chị vốn có truyền thống làm chè lâu đời, nên ngay từ khi còn nhỏ, hiểu được ý nghĩa và mong muốn của cha mẹ khi đặt tên cho 2 chị em (chị Tân, em Cương) như một lời nhắc nhở phải luôn giữ nghề truyền thống của gia đình và nhớ về nguồn cội, nhờ đó mà tình yêu cây chè đã ngấm sâu vào máu thịt của chị.
“Lúc đó, làm chè hoàn toàn thủ công, từ phơi héo, vò chè bằng tay, sao chè bằng chảo gang truyền thống, đến sấy chè cũng dùng sức người quay thủ công là chính. Bất kỳ người làm chè nào cũng thấm thía nỗi vất vả, cực nhọc của nghề này mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ phải cố gắng học hành để cuộc sống sau này bớt khó khăn. Nhưng chẳng biết run rủi thế nào, sau khi ra trường, tôi lại xin vào làm ở một công ty cũng liên quan đến chế biến chè. Và từ đây, niềm đam mê với cây chè ấp ủ bấy lâu trong tôi lại trỗi dậy, nên tôi đã quyết định khởi nghiệp lại với nghề làm chè”, chị Tân kể.
“Vốn liếng” của cô sinh viên mới ra trường khi đó không có gì ngoài tình yêu đối với nghề truyền thống và sự nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng chị Tân vẫn quyết tâm mở cơ sở sản xuất với sự góp sức hỗ trợ của bà con, cô bác họ hàng, chòm xóm.
Những năm đó, chè làm ra chỉ có con đường tiêu thụ duy nhất là qua thương lái. Đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào một kênh, nên sản phẩm dù tốt đến mấy cũng bị ép giá. Bao chè 30kg nhưng người mua trừ tới 3kg phần bao bì mà người bán vẫn phải chịu…
Do đó, chị Tân tìm hướng đi mới để tiêu thụ chè. Không chỉ giới thiệu, quảng bá chè tại địa phương, chị thường xuyên lên vùng hồ Núi Cốc để giới thiệu đến khách du lịch những sản phẩm chè của gia đình mình. Dần dần, khi đã quen thuộc và yêu thích sản phẩm chè từ xưởng sản xuất của gia đình chị, khách hàng sẽ tự tìm đến mua và giới thiệu cho những người thân quen khác.
Tiếng lành đồn xa, khách tìm đến cơ sở chè của chị Tân ngày càng nhiều, có những người trở thành bạn hàng “ruột” nhiều năm, thân thiết như người trong gia đình… Sau một thời gian hoạt động, đến năm 2018, cơ sở sản xuất của chị Tân chính thức chuyển sang mô hình HTX với tên gọi HTX Tâm Trà Thái với tất cả 8 thành viên đều là những hộ liên kết trồng chè tại vùng đất Tân Cương, đến nay đã tăng lên 29 hộ liên kết.
Lan tỏa hương trà
HTX Tâm Trà Thái nằm trong vùng lõi chè, nên tập trung được nhiều bà con có tay nghề làm chè lâu năm. Quy trình sản xuất luôn tuân thủ theo chuẩn, có sổ sách ghi chép chi tiết: ngày nào bón phân, ngày nào tưới nước, ngày nào thu hái, thu hái loại gì...
Chè tươi sau khi thu hoạch sẽ được chế biến để giữ được vị thơm ngon của chè |
Trong quá trình hoạt động, HTX Tâm Trà Thái luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Liên hiệp HTX Chè Thái Nguyên, với các khóa tập huấn kỹ thuật, các lớp đào tạo về trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách thức liên kết với các đơn vị như Co.opmart, các siêu thị, trạm dừng nghỉ… để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Liên hiệp HTX Chè Thái Nguyên còn tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá mạnh mẽ thương hiệu chè Tân Cương, Thái Nguyên tới mọi vùng, miền trên cả nước…
Hiện nay, HTX có vùng nguyên liệu rộng 29ha, trong đó có 8,7ha đã được chứng nhận mã vùng trồng theo tiêu chuẩn EVFTA năm 2022 và 6,5ha được chứng nhận VietGAP, diện tích còn lại được bà con trồng theo hướng VietGAP. Theo đó, HTX thực hiện toàn bộ các khâu để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, từ hái, sao chè đến đóng gói…
Mỗi năm, HTX sản xuất được 7 - 9 vụ chè rải đều các tháng, trong đó vụ tháng 8 là chè ngon nhất. Hiện tại, HTX có 3 loại nổi bật nhất là chè đặc sản hay còn gọi là trà móc câu (giá 350.000 – 500.000 đồng/kg); chè búp từ 500.000 đến 1 triệu đồng/kg; chè đinh (nõn đặc biệt) từ 3 - 5 triệu đồng/kg, và loại đặc biệt hơn nữa giá 10 triệu đồng/kg.
Mới đây, sản phẩm Nhất Đinh trà của HTX Tâm Trà Thái đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trước đó, 2 sản phẩm trà của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao là Đinh tâm trà và Trà tôm nõn.
“Sản phẩm của HTX ngày càng được đông đảo người yêu trà cả nước biết đến qua nhiều kênh liên kết, phân phối, quảng bá…”, chị Tân tự hào nói.
Mang lại nguồn thu bền vững cho các thành viên
Đến thời điểm này, các sản phẩm chè được sản xuất từ HTX Tâm Trà Thái có giá trị kinh tế rất cao được bán với giá 5 triệu đồng/kg. Trong đó, HTX có 3 sản phẩm chính: Đinh tâm trà, trà tôm nõn và trà móc câu được thị trường ưa chuộng.
Trà trước khi đóng gói phải được nhặt kĩ bằng tay, nhằm loại bỏ những cánh hoặc cọng vàng, đảm bảo chất lượng trà tốt nhất đến tay khách hàng. |
Điển hình là sản phẩm Đinh tâm trà, hiện đang được HTX bán với giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng/kg. Năm 2022, HTX đưa ra thị trường khoảng 1 tấn Đinh tâm trà mang về doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Ngoài 3 sản phẩm chính hiện nay, HTX còn đang làm thêm sản phẩm kẹo trà xanh và chè ướp hương sen với số lượng lớn mỗi ngày.
Giám đốc Hoàng Thị Tân chia sẻ: Trà ướp sen mang nét đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ sản phẩm nào cùng loại của đơn vị khác. Trà sau khi sao khô, được ướp trong những bông hoa sen Tây Hồ thu hái từ đầm sen của HTX, rồi đem sấy lạnh thăng hoa cho khô nên rất tiện lợi cho quá trình bảo quản và vận chuyển, đồng thời khi uống vẫn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên, đậm đà của trà, lại có hương sen lan toả.
Do sản phẩm đã được sấy khô nên có thể bảo quản trong thời gian tương đối lâu nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị trà và màu sắc của cánh sen. Hiện nay, HTX đang bán với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/bông trà ướp sen tuỳ từng loại.
Năm 2022, HTX đã đưa ra thị trường gần 20.000 bông trà ướp sen, mang về doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, theo chị Tân, đối tượng khách hàng sử dụng sản phẩm này đã được mở rộng sang cả Nhật, Pháp và một số gia đình người Việt sống tại Mỹ.
Chị Tân cho biết thêm, bên cạnh việc quan tâm đầu tư về chất lượng, HTX Tâm Trà Thái còn chú trọng đến bao bì mẫu mã sản phẩm, để sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng. Bởi lẽ, đối với sản phẩm của HTX, ngoài việc mua về uống, rất nhiều khách hàng còn mua để làm quà biếu tặng vô cùng ý nghĩa và giá trị.
Hiện, sản phẩm của HTX Tâm Trà Thái đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, tổng doanh thu năm 2022 đạt khoảng 10 tỷ đồng. HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài sản xuất chè, HTX còn kết hợp với hình thức du lịch cộng đồng để quảng bá những địa danh, những khu du lịch gắn với các vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên để khách du lịch gần xa biết đến. Theo đánh giá của chị Tân, mô hình này bước đầu mang lại hiệu ứng rất tốt và được nhiều khách hàng đón nhận.
Hoàng Hà