Sơn Dương hiện có 41 HTX nông, lâm nghiệp, với nhiều HTX điển hình như: HTX Vĩnh Tân (xã Tân Trào), HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên), HTX nông lâm nghiệp xã Đại Phú, HTX nấm sạch Bình Yên, HTX chăn nuôi và giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh)…
HTX chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào) được ví như “đầu tàu” đưa nghề làm chè tại địa phương lên một tầm cao mới. Với phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học – kỹ thuật, máy móc hiện đại, năng suất bình quân của HTX hiện đạt 12 - 14 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 30 – 35 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Văn Tuyến - Giám đốc HTX cho biết: “Để phát triển sản xuất an toàn, bền vững, các hộ trồng chè liên kết với HTX được chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP, nâng cao các điều kiện về ATLĐ như phương thức sử dụng máy móc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…”.
Những năm gần đây, HTX nông lâm nghiệp Lâm Xuyên (xã Lâm Xuyên) đã cùng bà con thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất lạc hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, nâng cao ATLĐ trong sản xuất.
Mô hình trồng lạc hàng hóa trên cánh đồng lớn của HTX Lâm Xuyên đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất manh mún, tiếp cận nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa của người dân địa phương, đồng thời liên kết được "4 nhà" để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Sơn Dương đang chủ động hóa giải rào cản, tạo động lực phát triển HTX nông, lâm nghiệp |
Cũng có thể kể đến HTX chè Ngân Sơn Trung Long, hiện đang là đơn vị điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến, đáp ứng đúng và đầy đủ 60 tiêu chí về sản xuất an toàn.
Đến nay, HTX có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích hơn 20ha chè sạch, doanh thu bình quân đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những thành tựu, các HTX trên địa bàn huyện Sơn Dương cũng đang gặp phải không ít rào cản. Việc tổ chức, phát triển ngành nghề thủ công và các dịch vụ như chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn manh mún, chưa tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế đặc trưng của HTX và địa phương.
Toàn huyện có 176 cán bộ quản lý HTX, trong đó 55,7% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, còn lại chưa qua đào tạo. Việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại HTX còn nhiều hạn chế…
Để khơi thông rào cản, tạo động lực cho các HTX phát triển, huyện Sơn Dương đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; trang bị máy móc cho HTX từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; lập các dự án vay vốn lãi suất thấp cho các HTX.
Huyện cũng đang nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp hình thành liên kết với HTX, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy các HTX tham gia vào sản xuất các sản phẩm nông sản, lâm sản theo chuỗi giá trị, theo hướng “mỗi xã một sản phẩm” nông sản đặc trưng, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.
Dương Tiêu