Đông Giang là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96% dân số, trình độ sản xuất của nhân dân còn đơn giản, lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc thiên nhiên. Một số phong tục, tập quán lạc hậu còn duy trì gây ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng. Bên cạnh đó, một bộ phận người nghèo có tâm lý lười lao động, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thiếu ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Nhận diện khó khăn
Trong khi hiện nay, thị trường nông sản, hàng hóa ngày càng phát triển nhưng thiếu tính ổn định. Giá cả lên xuống thất thường cộng với việc người dân thiếu thông tin sản xuất kinh doanh, khó nắm bắt thị trường nên dẫn đến hiệu quả kinh tế của nhiều mô hình sản xuất kinh doanh thấp.
Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết dù là một huyện có thế mạnh về phát triển nông-lâm nghiệp nhưng điểm yếu của Đông Giang chính là chưa thu hút được doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững để làm đầu tàu, liên kết với nhân dân mở rộng chuyển đổi sản xuất. Trong khi diện tích đất nông nghiệp của huyện lớn, song phần lớn có độ dốc cao, không có giải pháp nước tưới phù hợp sẽ không giúp người dân giải quyết khó khăn trong sản xuất, từ đó khó nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Nhận diện được những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, huyện Đông Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý chí phấn đấu và quyết tâm, chịu khó lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Đi liền với đó, huyện thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Ngành nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả thông qua tổ hợp tác, HTX, từ đó tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp xã Tư đang hỗ trợ và đồng hành cùng người dân phát triển trồng cây chè dây theo hướng hàng hóa. Theo tính toán của HTX, trung bình 1 ha chè dây có thể cho doanh thu 180 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân có lãi 100-120 triệu đồng.
Hiện, HTX xã Tư đã chú trọng đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến thành sản phẩm, đóng gói và tiêu thụ trên thị trường. Đặc biệt, chè dây rất thích hợp trồng ở Đông Giang nên được chính quyền địa phương xác định là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Ngoài HTX xã Tư, huyện cũng có HTX Tây Bà Nà đang đầu tư cho sản phẩm chè dây theo hướng phát triển vùng nguyên liệu và chế biến sâu để đa dạng sản phẩm, xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Hiện, HTX cùng ngành chức năng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, chuyển giao khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thấy được lợi ích kinh tế từ cây chè dây, việc hỗ trợ trong sản xuất, liên kết với các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ người dân, HTX xúc tiến thương mại đang được huyện Đông Giang tích cực thực hiện. Từ cây mọc dại, lẻ tẻ trong rừng, đến nay chè dây đã trở thành loại đặc sản bản địa được quy hoạch, khoanh nuôi tập trung trên 35ha.
Phát triển kinh tế
Một trong những thế mạnh nữa của huyện đó là phát triển lâm nghiệp. Để nâng cao được thu nhập cho người dân, Đông Giang trong những năm gần đây đã chú trọng trồng rừng gỗ lớn theo tinh thần Quyết định số 14 của UBND tỉnh. Huyện cũng xem đây là giải pháp mang tính bền vững và trọng tâm, nhất là giải quyết được diện tích đất nông nghiệp có độ dốc lớn, không có nguồn nước.
Cây ớt A Riêu đang được trồng xen kẽ trong rừng để tăng giá trị kinh tế, hỗ trợ người dân giảm nghèo. |
Để phát triển rừng gỗ lớn, ngành nông nghiệp đã định hướng người dân chuyển đổi cây keo sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây quế cao sản có chu kỳ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian khai thác. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân phát triển cây dổi vàng, cây gáo để tăng nguồn thu.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển một số loại cây đặc sản, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như chuối, dược liệu, ớt Ariêu…
Tiêu biểu như tại xã Mà Cooih đang hỗ trợ người dân phát triển ớt Ariêu thông qua thành lập HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih nhằm bảo tồn và sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa.
Điều thuận lợi là kỹ thuật trồng ớt Ariêu đơn giản, ít công chăm sóc, cho thu hoạch nhanh chỉ sau 6 tháng trồng, đặc biệt, không cần tiền mua giống. Mỗi năm, ớt cho thu hoạch 4 đợt, với giá bán từ 270-300 nghìn đồng/kg, mỗi gia đình có thể thu về hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, ớt được trồng xen kẽ dưới tán rừng nên tăng nguồn thu cho người dân.
Đến nay, huyện đã quy hoạch được 317,6 ha ớt A Riêu. Ngành nông nghiệp cũng mở rộng và nâng cấp vườn ươm cây giống ớt A Riêu của HTX lên 500m2 với đầy đủ trang thiết bị, công suất 200 nghìn cây/năm. Trong đó, phục vụ mục tiêu trước mắt là cấp đủ 180 nghìn cây giống cho 120 hộ gia đình trồng trên diện tích 10ha. Vườn ươm này không những cấp 198 nghìn cây cho người dân theo cam kết mà còn cung cấp 63 nghìn cây giống tạo thêm một nguồn thu ổn định cho HTX, từ đó đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo.
Giảm nghèo bền vững
Với những bước đi cụ thể trong phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 3.394 hộ nghèo (tỷ lệ 45,18%), giảm 511 hộ so với năm 2021 (giảm 7,7%).
Ước tính trong năm 2023, huyện sẽ có 497 hộ giảm nghèo thành công (tương ứng với giảm 6,62% hộ nghèo so với năm 2022).
Ông A Vô Tô Phương cho biết, năm 2024, địa phương phấn đấu giảm 513 hộ nghèo; dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,8%. Để làm được điều này, huyện sẽ đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung. Trong đó, chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch trên địa bàn.
Huyện cũng ưu tiên liên kết giữa doanh nghiệp, HTX trong nông nghiệp nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo tồn nguồn gen một số giống đặc trưng. Đi liền với đó, Đông Giang sẽ đánh giá lại kết quả trồng đảng sâm, ba kích, sa nhân thời gian vừa qua để có cơ sở phát triển trồng dược liệu và thu hút HTX, doanh nghiệp đầu tư liên kết.
Ngoài ra, địa phương sẽ xúc tiến kêu gọi, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào dịch vụ, du lịch sinh thái; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làm sao cho các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu trở thành sản phẩm phục vụ du lịch…
Minh Nhương