Các mô hình trồng cây ăn quả nói chung và trồng ổi lê nói riêng phát triển mạnh mẽ kể từ khi huyện Tân Yên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển, nâng cao chất lượng cây ăn quả, trong đó có cây ổi. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 200 ha ổi, chủ yếu là giống ổi lê Đài Loan, giá trị cao.
Hoàn thiện quy trình sản xuất
Sau nhiều năm vật lộn với nhiều loại cây trồng khác nhau, năm 2015, anh Bùi Văn Chung ở thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa, quyết định chuyển đổi sang trồng ổi lê theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ổi lê Tân Yên đang phát triển theo quy trình VietGAP (Ảnh TL). |
Anh Chung cho biết, với diện tích 1,3 mẫu đất vườn đồi, gia đình trồng trên 1.000 gốc ổi, hiện đang ở năm thứ 3 cho thu hoạch quả rộ. Vụ ổi năm 2020, vườn ổi nhà anh cho thu hoạch khoảng 9 tấn, với giá bán buôn tại vườn dao động 12 - 14 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ.
Theo anh Chung, giống ổi lê Đài Loan không kén đất trồng, thích ứng tốt với mọi loại đất từ đất sỏi, đất cát, cát pha, đến đất bazan hay đất thịt đều sinh trưởng và phát triển được.
Đặc biệt, trồng ổi lê hầu như không phải sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khi quả non bằng ngón tay cái người lớn, người dân dùng bao ni lông cùng bao xốp để bọc ổi, giúp cho quả đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công.
Cũng có được nhiều thành công với mô hình trồng ổi lê, ông Nguyễn Văn Toản, trồng gần 2.000 gốc ổi, cho hay kỹ thuật trồng ổi lê không quá cầu kỳ, song đòi hỏi người trồng phải có thực tiễn quan sát, nắm chắc từng gốc ổi, bao trái, từng loại phân bón, sâu bệnh (sâu, rệp sáp, ruồi vàng…) để chăm sóc, điều chỉnh cây sao cho vườn ổi lúc nào cũng có diện tích cho thu hoạch.
“Để phát triển bền vững, hầu hết các hộ trồng ổi trên địa bàn huyện Tân Yên đang canh tác theo quy trình VietGAP, loại bỏ hoàn toàn các hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học”, ông Toản cho biết.
Nâng tầm thương hiệu
Sản xuất khoa học, thân thiện môi trường được coi là “chìa khóa” để các hộ trồng ổi trên địa bàn huyện Tân Yên gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng tầm thương hiệu ổi lê Tân Yên.
Nhờ sản xuất sạch, thương hiệu ổi lê Tân Yên ngày càng được nâng lên (Ảnh TL). |
Hiện, huyện đang hoàn thiện quy hoạch để mở rộng diện tích trồng ổi lên 215 ha, trong đó có hơn 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi sào canh tác đang mang lại cho người dân thu nhập 30 - 35 triệu đồng/năm.
Huyện cũng đang xây dựng 3 vùng ổi tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Phúc Hòa, Hợp Đức và thị trấn Cao Thượng.
Đặc biệt, để nâng cao năng lực sản xuất, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện được thành lập. Điển hình như HTX ổi lê Tân Yên, xã Phúc Hòa.
100% các hộ thành viên HTX ổi lê Tân Yên đang có từ 1 mẫu ổi trở lên, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các thành viên trong HTX không chỉ thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc mà còn chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu ổi, từng bước tạo thị trường ổn định cho loại cây này.
Đại diện HTX ổi lê Tân Yên cho biết, hiện tại ổi lê Tân Yên đã có truy xuất nguồn gốc. Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Với thành công đang có, thời gian tới, huyện Tân Yên dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, tích cực hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ. Huyện cũng khuyến cáo địa phương quản lý chặt việc mở rộng diện tích, tránh tình trạng ồ ạt, mất kiểm soát, khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.
Hưng Nguyên