Với sự đầu tư đúng hướng từ các địa phương, nhiều diện tích xen kẹt, bóng núi, đất trũng, ruộng xấu trên địa bàn huyện được chuyển sang trồng hoa lan, trồng sen, nuôi cá… cho giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình cho thu nhập từ 230 - 300 triệu đồng/ha.
Hàng loạt mô hình mẫu
Dù gặp nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên, song nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi phương thức sản xuất, thích ứng nhu cầu thị trường, xã Ninh Xuân đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, có khả năng nhân rộng.
Mô hình trồng sen kết hợp du lịch đang cho hiệu quả cao ở Hoa Lư (Ảnh TL). |
Ông Hoàng Minh Vương, Giám đốc HTX nông nghiệp Khê Hạ cho biết, mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái đang là một trong những mô hình nổi bật của xã Ninh Xuân.
Bắt đầu từ năm 2019, Khu du lịch hang Múa triển khai mô hình trồng cánh đồng sen với diện tích khoảng 1,2 ha dưới chân núi Ngọa Long để phục vụ cảnh quan, sinh thái.
Đến nay, dưới chân núi hang Múa xuất hiện đầm sen Nhật xanh mướt, nhất là khoảng thời gian tháng 6, 7 và 8 là thời điểm sen nở rộ, đẹp nhất. Cùng với con đường gỗ hình trái tim giữa đầm sen, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng và đã được cộng đồng mạng, khách du lịch bình chọn danh hiệu "hồ sen đẹp nhất Việt Nam".
Nhờ hiệu quả của mô hình, đến nay, xã Ninh Xuân đã có 4,2 ha trồng sen, khoảng 1 ha lúa - cá các loại phục vụ dịch vụ du lịch.
Giống như ở Ninh Xuân, xã Ninh Thắng cũng đang phát triển thành công mô hình trồng sen Nhật phục vụ du lịch sinh thái.
Mỗi năm từ 3 - 5 vụ, đầm sen trên địa bàn xã Ninh Thắng đã cho "thu hoạch" bằng việc phục vụ dịch vụ du lịch mang về giá trị kinh tế cao hơn 5 - 6 lần so với trồng lúa.
Còn ở xã Trường Yên, địa bàn có nhiều hang động đá vôi, khe suối, là nơi sinh sống của loài cá rô Tổng Trường đặc trưng, nay được bảo tồn, nhân rộng ra nuôi thương phẩm. Mô hình nuôi cá rô Tổng Trường thực hiện tại xã Trường Yên hiện có quy mô 7 ha, trong đó 4 ha nuôi thâm canh trong ao và 3 ha nuôi trên ruộng (lúa - cá).
Đây là nguồn thực phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của nhiều du khách khi đến với miền đất Cố đô Hoa Lư.
Xác định hướng đi bền vững
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là hướng đi tiềm năng để thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại những lợi ích lớn về kinh tế và môi trường sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái sẽ là hướng đi trọng điểm của huyện Hoa Lư trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Nếu trước đây, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu thường xuyên diễn ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì nay, nhiều địa phương đang hỗ trợ người dân phát triển theo hướng VietGAP, hữu cơ để đón đầu “làn sóng” du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả bền vững.
Nhờ tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, số lượng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện Hoa Lư ngày càng nhiều. Những cánh đồng sinh thái đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh ở nhiều địa phương của huyện.
Trước những thành công ban đầu, các ban ngành huyện Hoa Lư dự kiến tiếp tục triển khai, bảo vệ mô hình sen Nhật, sen giống mới kết hợp với nuôi cá nước ngọt với quy mô trên 47 ha đã trồng tại các xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Mỹ và Trường Yên để phục vụ du lịch, dịch vụ.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương, các HTX tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ.
Nhật Minh