Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 7 triệu người tử vong (năm 2012) do ô nhiễm không khí, trong đó có tới hơn 3,3 triệu người tử vong liên quan tới ÔNTN. Con người dành phần lớn thời gian (80 - 90%) ở trong nhà, vì vậy ÔNTN trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Gây tử vong hàng đầu
Cũng theo một thống kê của WHO, có khoảng 900.000 trường hợp trẻ nhỏ tử vong do viêm phổi, 4% người già bị các bệnh về hô hấp, có nguy cơ bị mất trí nhớ có nguyên nhân xuất phát từ nguồn ÔNTN. Trong đó, khói trong nhà là vấn đề nghiêm trọng nhất, khi gây tử vong cho 40.000 người trong năm 2010 và sẽ tiếp tục được lặp lại vào năm 2030.
Tại Việt Nam, ÔNTN cũng đang được cảnh báo ở mức báo động và gây hâu quả nghiêm trọng. Điển hình là sự cố xảy ra tại Siêu thị BigC Garden (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào giữa tháng 3/2015 khiến 19 người ngất xỉu. Không chỉ tại các khu đông người, ÔNTN cũng là hiểm họa ngay chính trong nhà riêng.
Anh Nguyễn Minh Đức (Ba Đình, Hà Nôi) - một nạn nhân của ô nhiễm không khí trong nhà, chia sẻ: “Hồi đầu năm nay, nhà tôi chuyển nhà mới. Vì chủ quan trong việc sơn lại tường, đồ nội thất tẩy rửa phòng ốc, đã gây ô nhiễm không khí, khiến bà nội và hai bé nhà mình bị ngất. Đến bác sỹ, mới biết là do hít phải khí độc, dẫn tới viêm phổi”.
Gs.TsKH Phạm Ngọc Đăng cho biết: “Tình trạng ÔNTN tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ thuận với ô nhiễm ngoài trời. Các chất gây ô nhiễm chính vẫn là bụi, khói thuốc, các chất hóa học như Bezene, Formaldehyde, ozone, vi sinh vật... bắt nguồn từ các hoạt động sinh hoạt như nấu nướng, tẩy rửa, lưu thông không khí...”.
Theo các chuyên gia, tầng lớp bị ảnh hưởng bởi ÔNTN lớn nhất tại Việt Nam là sinh viên và người lao động bình dân. Do kinh tế khó khăn, nhà ở của tầng lớp này thường có chất lượng rất thấp. Tại nhiều khu nhà trọ, các sinh hoạt từ nấu nướng, vệ sinh, ngủ nghỉ đều diễn ra trong những căn phòng nhỏ hẹp (chỉ từ 15 - 40m2).
Trong điều kiện sống như vậy, mức độ ÔNTN rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngay cả với những ngôi nhà hiện đại cũng có mức độ ÔNTN cao, nếu các hoạt động sinh hoạt không phù hợp.
![]() |
Ô nhiễm trong nhà đang gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng
Nâng cao ý thức
Tổ chức Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo: “Không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm và gây hại hơn cả không khí ngoài trời”. Nhưng trên thực tế, nhận thức và hiểu biết về ÔNTN của người dân Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí là hoàn toàn xa lạ.
Anh Phùng Gia Minh - ngõ Đa Lôc, đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Trước đây mình chỉ nghĩ tới tác hại của các nguồn ô nhiễm ngoài trời. Chỉ tới gần đây, mình mới biết tới khái niệm ÔNTN. Tìm hiểu ra, mình mới biết mức độ nguy hiểm của nó và bắt đầu chú ý hơn”.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tiếp tục bị bỏ quên, ÔNTN sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe con người trong tương lai. Để ngăn chặn nguy cơ này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng và tích cực truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân.
Ths. Ngô Quốc Khánh - Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, cho hay: “Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống, nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy, cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà”.
Tuy nhiên, khi những giải pháp của cơ quan chức năng chưa được thực hiện, thì bản thân người dân nên tự nâng cao ý thức, hiểu biết về ÔNTN để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.
Các chuyên gia tư vấn, để hạn chế ÔNTN, người dân nên thường xuyên vệ sinh nhà của, các vật dụng trong nhà, làm thêm các cửa thoát khí tự nhiên, và các loại máy lọc, lưu thông không khí (đăc biệt tại phòng bếp), hạn chế sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa (kể cả những loại hóa chất xịt thơm phòng), sử dụng đồ trang trí, nội thất tự nhiên, hạn chế các đồ công nghiệp (do có fomandehyt rất độc), trồng thêm các loại cây, hoa trong nhà để làm sạch không khí…
Hiến Nguyễn