Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp HTX ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật |
Để có được điều đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông-tỉnh Đồng Tháp) sử dụng 10ha đất để sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm cho ra sản phẩm gạo sạch.
Thay đổi tư duy từ sản xuất sạch
Sản xuất lúa nhiều năm, nhưng khi đi vào sản xuất theo hướng hữu cơ là cả một vấn đề nan giải đối với các thành viên. Được sự hỗ trợ của địa phương, cơ quan nhà nước trên địa bàn, HTX đã dần có những chuyển biến tích cực và đạt được hiệu quả tích cực trong sản xuất lúa gạo.
Nếu như trước đây, các khâu làm đất, thu hoạch, người dân và thành viên chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công thì nay đã được cơ giới hóa đồng bộ bằng máy móc và sử dụng laze trong khâu làm đất.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư xây dựng một nhà chế biến, xay xát theo tiêu chuẩn HACCP chế biến ra 3 sản phẩm gạo sạch có tên thương hiệu độc quyền là gạo Hoa Sen, Đài Sen và Hương Sen.
Trước đây, công tác chăm sóc được sử dụng các loại thuốc hóa học có nồng độ cao để tiêu diệt triệt để sâu bệnh và cỏ dại thì nay được thay bằng phương pháp thủ công: làm cỏ bằng tay, chú trọng khâu làm đất…
Sự khác biệt này đã dần thích ứng và trở thành “chuyện thường” ở HTX. Các thành viên cũng nhận ra việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ là nguyên nhân làm đất đai bạc màu, thoái hóa và cũng là nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
Nhờ đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, HTX đã chuyển từ sản xuất 2 vụ lên 3 vụ và duy trì cánh đồng sản xuất lúa giống để cung cấp cho diện tích trồng lúa.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ làm ruộng, gieo sạ, HTX còn tiến hành gặt đập liên hợp 100% diện tích và liên kết với 2 HTX sản xuất lúa gạo trên địa bàn để thuận lợi trong việc bao tiêu và giải quyết đầu ra cho người dân.
HTX hoạt động rất hiệu quả, lãi chi theo cổ phần năm sau luôn cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân/lao động đạt 30 triệu đồng/năm.
Sản xuất tiên tiến
Trong sản xuất, để thay đổi tư duy của bà con và mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường, HTX thực hiện cấy thưa bằng mạ non, cấy đúng thời vụ và đồng loạt.
Cấy xong, nông dân và thành viên chỉ bắt ốc bươu vàng, nhặt cỏ bờ và dặm tỉa. Mọi người chỉ bón phân cân đối, hạn chế đạm và rắc thêm vôi bột (mỗi sào 10-15kg) để vừa khử chua, khử độc, khử rong rêu lại tăng nhanh quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ.
Ngược lại với quan niệm truyền thống lúa nước là luôn phải cần nhiều nước, HTX lấy nước vào ruộng hợp lý, tháo nước ra ở một số thời điểm cho khô mặt ruộng, sau đó ruộng nứt chân chim để hạn chế sâu bệnh. Việc này giúp hạn chế cỏ dại mọc nên HTX không phải sử dụng thuốc diệt cỏ.
Không riêng thuốc diệt cỏ, thuốc chuột cũng bị HTX “cự tuyệt”. Để diệt chuột, HTX dùng bả sinh học trộn với thóc nấu chín, dầu ăn để “dụ” chuột. Đây là cách làm vừa thân thiện với môi trường vừa hiệu quả vì các loài chuột trên đồng đã nhờn thuốc.
Cùng với đó, phương pháp làm đất cũng thay đổi. Thay vì chỉ làm đất một lần, HTX làm đất hai lần, thời gian hai lần làm đất cách nhau 15 ngày để gốc rạ có thời gian thối rữa, tạo thành phân, rất tốt cho đất và lúa.
Không những làm sạch môi trường, cho sản phẩm sạch, việc hạn chế thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột còn mang lại một lợi ích khác là các thành viên và người dân có thêm nguồn cỏ sạch cho đàn trâu, bò.
Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ nói riêng, thuốc bảo vệ thực vật nói chung trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, làm ô nhiễm môi trường, làm chết tôm cá, các loài sinh vật có lợi cho đồng ruộng. Về lâu dài, các chất độc ngấm vào nguồn nước còn để lại những hệ lụy nguy hiểm hơn.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của HTX Tân Cường đã hạn chế thuốc hóa học độc hại, không còn chạy theo năng suất, sản lượng mà bỏ quên sức khỏe và môi trường. Đây là phương pháp canh tác thân thiện cần được nhân rộng.
Huyền Trang