Từ 12 ha ao nuôi ban đầu, đến nay, HTX Lộc Thủy đã mở rộng thành 80 ha ao nuôi. Hai loại tôm được HTX ưu tiên phát triển là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sự thành công của HTX đã giúp không ít thành viên vươn lên khá giả, tự tin nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn.
Đi liền với quá trình nuôi tôm là quá trình phát sinh chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm thế nào để bảo đảm được môi trường nuôi an toàn là vấn đề luôn được HTX trăn trở.
Xử lý các chất ô nhiễm
“Một lượng lớn thức ăn cho tôm không được hấp thụ và bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa, phân và chất thải chính là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường”, ông Hoàng Xuân Tin - Giám đốc HTX Lộc Thủy, cho biết.
Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn xây dựng, quy hoạch vùng nuôi tôm, HTX đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường. Diện tích ao xử lý nước thải của HTX chiếm khoảng 40% diện tích ao nuôi.
Bùn thải trong quá trình nuôi tôm đều có khu chứa riêng. Song song với đó, lượng bùn thải còn được HTX tận dụng bằng phương pháp xử lý phù hợp như dùng để tôn cao bờ đê, san lấp mặt bằng…
Chính nhờ phương án này mà tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi không xảy ra.
Trong quá trình nuôi, HTX cũng ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy, phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi tôm. Lựa chọn này đã giúp HTX không phải sử dụng kháng sinh cho tôm mà còn tạo ra môi trường nuôi ổn định, cân bằng cho tôm sinh trưởng và phát triển.
Ao nuôi tôm theo quy trình VietGap của HTX |
Áp dụng tiêu chuẩn
Để nguồn nước trong ao nuôi luôn sạch, hệ thống sục nước, sục khí cũng được HTX quan tâm đầu tư… Hệ thống đường ống bơm nước từ biển vào tới tận ao nuôi tôm với chiều dài 5 km cũng được các thành viên quyết tâm làm. Nhờ đó, khu vực nuôi tôm của Thủy Lộc có thể chủ động được nguồn nước biển, hạn chế dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường và đáp ứng được các yêu cầu của đối tác trong khâu tiêu thụ tôm, HTX cũng đang thực hiện nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP trên diện tích 40 ha, với 28 thành viên tham gia.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên đều phải cam kết thực hiện đúng theo quy định. HTX cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ thành viên về giống, kỹ thuật, vốn… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi xung quanh.
Đến nay, nhiều thành viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thay thế bạt lót đáy thông thường bằng bạt đen để kháng tia UV, kháng hóa chất, chống ô xi hóa, tránh mất nước cho ao nuôi và phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất.
Diện tích nuôi tôm VietGAP của các thành viên cũng đều nằm trong vùng quy hoạch, ao nuôi của các thành viên tương đối liền kề, cơ sở hạ tầng bảo đảm. Các thành viên cam kết thực hiện đầy đủ hướng dẫn của đơn vị tư vấn, nếu có bệnh với tôm nuôi phải báo ngay với cán bộ chuyên môn để xử lý.
Đặc biệt, khi thực hiện quy trình sản xuất VietGAP, việc giám sát, quan trắc môi trường vùng nuôi cũng góp phần không nhỏ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Các thành viên cũng có trách nhiệm theo dõi, giám sát môi trường nuôi cùng nhau.
Quá trình thu thập, ghi chép đầy đủ các số liệu, thông tin có liên quan và kịp thời cung cấp cho các đơn vị khi có yêu cầu cũng được triển khai nhằm bảo đảm tốt khâu đầu ra cho từng thành viên.
Nếu như trước đây, người nuôi tôm thường lo lắng về con giống, thức ăn và quy trình nuôi không bảo đảm, năng suất thu hoạch cuối vụ thường thấp vì dịch bệnh thì nay, tất cả những khó khăn trên đã được giải quyết.
Khi áp dụng quy trình sản xuất an toàn, dù trải qua nhiều công đoạn trong kiểm soát từ con giống đến thức ăn nhưng năng suất thu hoạch cuối vụ đạt cao hơn hẳn. Mỗi ha nuôi tôm VietGAP cho thu lãi trung bình 600 - 700 triệu đồng/ năm. Đầu ra cũng được HTX ký hợp đồng với các đơn vị khác nhau nhằm ổn định sản xuất.
Huyền Trang