Theo Ban Giám đốc HTX Hợp Thành, chăn nuôi gà an toàn sinh học là một trong những phương pháp đang được khuyến khích phát triển, được coi là hướng đi bền vững trong chăn nuôi.
Phương pháp này đòi hỏi chí phí đầu tư không quá lớn, lại tận dụng được những phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp nên các thành viên quyết tâm thực hiện.
Hiệu ứng tích cực
HTX Hợp Thành được thành lập năm 2018 với số vốn 88 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn hoạt động, đến nay, mô hình chăn nuôi gà của HTX đã mang lại những hiệu quả tích cực. Hiện, số vốn của HTX đã tăng lên 1,5 tỷ đồng.
Trước đây, cách nuôi gà ở địa phương theo quy mô gia đình, không chú trọng đến yếu tố môi trường nên hàng ngày người nuôi phải quét dọn phân gà, thường xuyên thay chất độn nhưng tình trạng mùi hôi, ruồi, muỗi vẫn không đượ ccả ithiện. Do đó, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, chất thải không được xử lý tốt, ảnh hưởng sức khỏe các hộ lân cận.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi, các thành viên HTX đã tìm hiểu, học hỏi về cách xử lý môi trường trong chăn nuôi gà. Được sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện về ứng dụng công nghệ đệm lót lên men bằng chế phẩm sinh học, HTX đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới này trong nuôi gà và đạt hiệu quả cao cả về môi trường và kinh tế.
Với quy mô 52 nghìn con gà, việc sử dụng chế phẩm sinh học vào vệ sinh chuồng trại, trộn cùng đệm lót sinh học đã tạo ra môi trường nuôi an toàn cho cả gà và người chăn nuôi, đồng thời hạn chế được mầm bệnh, công sức của người chăn nuôi.
Cùng với đó, thức ăn cho gà cũng được bảo đảm theo tỷ lệ và độ tuổi nhất định. Trong khoảng 2 tháng đầu, HTX cho gà ăn cám tổng hợp, sau đó thay thế hoàn toàn bằng cám ngô, cám gạo.
Các thành viên còn tận dụng nguồn phân gà ủ hoai mục để bón cho cây trồng. Nếu như trước đây, nguồn phân gà tươi thải ra có mùi rất nặng, ảnh hưởng đến hàng xóm, làm ô nhiễm không khí và nguồn đất thì nay đã không còn.
Anh Lương Hồng Vinh - thành viên HTX, chia sẻ anh đang nuôi 1.000 con gà nhưng nhờ đầu tư cơ sở vật chất, chú ý các biện pháp kỹ thuật nên đàn gà hoàn toàn khỏe mạnh. Hiệu quả kinh tế cũng tăng 10 - 15% so với nuôi gà thông thường.
Theo tính toán của các thành viên, việc áp dụng quy trình nuôi gà an toàn sinh học giúp người chăn nuôi giảm 30% công lao động, 20% chi phí thức ăn và 1/4 thời gian nuôi.
Đặc biệt, trong đệm lót sinh học luôn có các vi sinh vật có lợi hoạt động sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt những vi khuẩn có hại, làm ấm vật nuôi và hạn chế mùi hôi thối. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển trên quy mô lớn và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Hệ thống chuồng nuôi cũng được xây dựng khoa học, đơn giản, không tốn nhiều chi phí. Bằng cách này, một thành viên có thể nuôi được từ 1.000 con gà/lứa, chi phí trung bình giảm 5.000 đồng/con.
Một khu chăn nuôi gà an toàn sinh học của HTX |
Thành viên là trọng tâm
Từ khi áp dụng nuôi gà an toàn sinh học, các thành viên cũng được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên nắm chắc phương pháp, chủ động chăn nuôi.
Việc chăn nuôi gà an toàn sinh học theo mô hình HTX là một bước tiến mới trong sản xuất kinh doanh tại địa phương khi chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết chặt chẽ theo HTX.
Đây là HTX kiểu mới, quy tụ các thành viên cùng gánh vác trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ chung là đưa HTX đi lên theo hướng bền vững. HTX càng phát triển thì các thành viên càng hưởng lợi.
Chính vì vậy, ngoài áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, HTX còn bám sát, đồng hành cùng các thành viên; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ họ về đầu vào và đầu ra bằng cách liên kết với các doanh nghiệp uy tín.
“Đối với những thành viên còn thiếu kiến thức về phát triển chăn nuôi bền vững, HTX trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn để gà xuất ra thị trường bảo đảm chất lượng tốt nhất”, ông Phạm Văn Hợi - Giám đốc HTX, cho biết.
Để phát huy tính dân chủ, các thành viên tự xây dựng điều lệ hoạt động, quyết định phương án kinh doanh theo tháng, quý. Đặc biệt, khi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt trong đó có vốn và phát triển thị trường. Đây cũng là động lực để các thành viên tích cực sản xuất.
Giám đốc Phạm Văn Hợi cho rằng HTX luôn lấy thành viên làm trọng tâm phát triển sản xuất. Chính vì vậy, hiện nay, mong muốn của HTX là tập hợp thêm được các thành viên có cùng mục tiêu phát triển mô hình kinh tế hợp tác vững mạnh, từ đó làm chỗ dựa vững chắc cho thành viên và người dân địa phương.
Như Yến