Lo ngại hơn, ô nhiễm các con sông này còn ảnh hưởng đến cả nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 400 nghìn người dân của toàn thành phố Phủ Lý và hàng trăm nghìn công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Bởi, nhà máy xử lý nước sạch của Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam chủ yếu khai thác nguồn nước mặt tại con sông Nhuệ, đoạn ngã ba Thanh Sơn của huyện Kim Bảng.
Xóm chài ô nhiễm và nguy cơ tái nghèo
Anh Trần Văn Kính, thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, do không có đất mưu sinh, không có nhà ở, nguồn nước trên các con sông còn trong lành nên trước đây 5 người trong gia đình anh sinh sống chủ yếu trên các con thuyền tạm bợ ở xóm chài xã Phù Vân.
Công việc chính của gia đình là đánh bắt nguồn lợi thủy sản và trồng rau muống khu vực ngã ba sông (sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ), thành phố Phủ Lý. Không chỉ đánh bắt thủy hải sản, gia đình anh còn lấy nước sông để sinh hoạt, ăn uống mà không phải sử dụng thiết bị lọc nước nào.
Nguồn nước trên ngã ba sông (sông Châu, sông Đáy, sông Nhuệ) tại tỉnh Hà Nam vẫn thường xuyên xảy ra ô nhiễm. |
Được sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Hà Nam, gia đình anh được cấp một mảnh đất ở thôn Lê Lợi, ngay cạnh khu vực xóm chài và dựng căn nhà để ở vào năm 2016.
Có nhà ở ổn định nhưng do không nghề nghiệp, tuổi đã trung niên, không có đơn vị, doanh nghiệp nào thuê mướn, tuyển dụng nên anh Kính vẫn tiếp tục lênh đênh “nghiệp” sông nước để mò trai, bắt hến, đánh bắt tôm cá mưu sinh.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, nguồn nước trên các con sông trong khu vực năm nào cũng ô nhiễm. Đỉnh điểm, mỗi năm có đến vài tháng ô nhiễm hết sức nghiêm trọng do các nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương và TP. Hà Nội thải ra.
Anh Trần Văn Kính, thôn Lê Lợi cho biết, ô nhiễm nguồn nước trên sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Việc đánh bắt tôm, cá, thủy sản và trồng rau muống không còn thuận tiện như trước đây. Có thời gian, cá, tôm, thậm chí là cả cá dọn bể, một loại cá có thể sống trong môi trường ô nhiễm cũng nổi lên, chết trắng cả một khúc sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Thuỷ sản không có, rau muống trồng trên sông trước đây cũng ô nhiễm không dám thu hoạch để bán cho người dân sử dụng, khiến cho mấy chục hộ dân đang sinh sống dựa vào dòng sông này hết sức khó khăn”, anh Kính nói.
Chưa có giải pháp căn cơ
Cũng theo phản ánh của người dân, các dòng sông không chỉ bị ô nhiễm bởi nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp của Hà Nội và trên địa bàn tỉnh Hà Nam xả ra, mà mỗi khi Hà Nội triển khai việc thau, rửa sạch dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và các con sông, kênh ô nhiễm khác lại xả ra hạ nguồn khiến các con sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu lại “hứng trọn hậu quả”, ô nhiễm nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Mạnh Lan, xóm 5, xã Phù Vân, TP Phủ Lý, Hà Nam bức xúc: nước ô nhiễm, người dân vốn mưu sinh từ đánh bắt tôm, cá, thủy sản, trồng rau muống trên các dòng sông này đánh phải “gác mái chèo cho thuyền cập bến” vì không có loài tôm, cá, trai, ốc, hến nào sinh sống nổi.
Ô nhiễm nguồn nước, cá tôm không còn khiến người dân phải tạm gác mái chèo đánh bắt thủy sản trên sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ. |
Anh Nguyễn Mạnh Lan, xóm 5, xã Phù Vân cho biết, ô nhiễm sông đến cá dọn bể, một loại cá sống khỏe trong môi trường bẩn cũng không thể sống nổi.
“Thu nhập không có, việc làm không ổn định, nhất là những người cao tuổi, khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, đói nghèo đe dọa. Không chỉ nước sông bị ô nhiễm, mà có thời điểm chúng tôi sử dụng nước máy của Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam khai thác từ nước sông Nhuệ cũng gây mẩn ngứa, khó chịu”, ông Lan nói.
Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, các dòng sông trên địa bàn, nhất là 3 con sông lớn là sông Châu, sông Đáy, sông Nhuệ năm nào cũng bị ô nhiễm.
Nguyên nhân là do nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các trang trại, nông trại chăn nuôi gia súc và nước thải sinh hoạt của người dân từ Hà Nội và tại địa phương xả ra. Ngoài ra, nguồn nước từ các dòng sông của Hà Nội mỗi khi chảy về hoặc thau rửa cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cũng theo đại diện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, hiện nay nước thải từ Hà Nội đang đổ về sông Nhuệ. Từ ngày 24/3 đến nay nước tại cống Nhật Tựu, sông Nhuệ có màu đen, mùi hôi. Đơn vị này đã lấy và phân tích mẫu nước, nồng độ các chất ô nhiễm tại cống Nhật Tựu.
Cụ thể, nồng độ Amoni là 20,9 mg/L-N, vượt 69,67 lần; ôxy hoà tan là 0,25 mg/L, nhỏ hơn 20 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).
Nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sông Đáy, sông Duy Tiên. Được biết, để hạn chế thiệt hại cho nhân dân, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời thông báo cho các xã, phường, thị trấn ven sông Nhuệ, sông Đáy, sông Duy Tiên có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản. Chi cục Thủy lợi Hà Nam xem xét để bố trí lịch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam bố trí trực theo dõi bơm nước, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân…
Nước trên sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu bị ô nhiễm nghiêm trọng do các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh xả ra, đồng thời nguồn nước từ các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu (Hà Nội) chảy về. |
Cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng
Trước thực trạng nguồn nước trên các con sông bị ô nhiễm và đề nghị của cơ quan chức năng, ông Phạm Trọng Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam cho biết, hiện nhà máy đang kinh doanh nước sạch cho toàn bộ người dân TP Phủ Lý và một số vùng lân cận gồm: thị trấn Quế, xã Ngọc Sơn, xã Thi Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; cụm tiểu thủ công nghiệp Kim Bình; khu công nghiệp Đồng Văn III... với 27.000 khách hàng.
Nhà máy nước sạch Hà Nam được lắp đặt bởi hệ thống bể lắng, lọc, sau đó đươc xử lý bằng than hoạt tính hết sức khoa học và đảm bảo an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, để người dân không còn phải lo lắng, Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam đã xây dựng nhà máy khai thác từ nguồn nước mặt trên sông Hồng tại thôn Lảnh Trì, phường Mộc Nam, thị xã Duy Tiên với công suất 200.000m3/ngày đêm. Hiện nhà máy đã đi vào hoạt động và khai thác 50% công suất.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng đường ống cấp nước rộng 600cm để triển khai thay thế cung cấp nguồn nước từ sông Nhuệ sang sông Hồng cho toàn bộ TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và Huyện Kim Bảng; các Khu công nghiệp Cầu Giát, Hòa Mạc, Đồng Văn I, Đồng Văn II, ĐồngVăn III; khu Y tế chất lượng cao và các khu công nghiệp khác của tỉnh. Dự kiến, đến tháng 9/2021, nhà máy nước sạch khai thác từ nguồn nước mặt sông Hồng sẽ được cung cấp đến người tiêu dùng để họ yên tâm sử dụng”, ông Khôi nói.
Phạm Duy