HTX Cam sành Sơn Nữ do Giám đốc trẻ Nguyễn Thị Cẩm Ly - cô gái bỏ công việc ngân hàng về làm cam, chính thức được thành lập năm 2017, sau hơn một năm “thai nghén” tìm kiếm cách thức sản xuất phù hợp.
Câu chuyện của nữ giám đốc trẻ
Sau nhiều năm tham gia các hội chợ nông nghiệp sạch - xanh, tìm hiểu cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn Thị Cẩm Ly trở về địa phương, chọn cây cam sành Hàm Yên để sản xuất theo hướng hữu cơ. Mong muốn của chị là gia tăng giá trị của cây cam sành, một loại cây chủ lực và đã có thương hiệu ở vùng đất mà chị sinh ra.
Nhớ lại cách đây 2 năm, Ly một mình bán hết 2 tấn cam để giúp người dân quê mình có được một cái tết ấm áp. Tết năm thứ hai, Ly lại tiếp tục “đánh” cam về Hà Nội bán. Nhưng lần này không như trước, cam bán chẳng được là bao. Bởi mọi người nói cam của Ly không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Từ đó, Ly quyết định bỏ công việc văn phòng, về quê mày mò tìm hướng đi cho cây cam. Với vốn hiểu biết của mình, Ly biết chỉ có trồng cam theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm sạch thì mới có chỗ đứng trên thị trường hiện nay. Vậy nên, chị đã đi rất nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và tìm đến một số người thầy của mình xin được tư vấn.
Hiện nay, HTX cam sành Sơn Nữ do Ly quản lý đã có hàng chục hộ tham gia. Khi tham gia HTX, bà con thấy rõ một hướng đi bền vững, không còn trồng cam theo tập quán cũ, thay vào đó là sản xuất theo hướng cam hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường cũng như chất lượng quả.
Cam thành phẩm được lựa chọn, bọc nilon và đóng thùng nên vừa bảo đảm vệ sinh lại bảo quản được dài ngày, thuận tiện cho việc vận chuyển.
Ông Hoàng Thọ Phúc (thôn 2, xã Nhân Mục) là thành viên HTX, khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà HTX đã mang lại cho ông và gia đình. Giờ đây, mỗi vụ cam, ông thu về cả trăm triệu đồng.
Vườn cam của HTX Sơn Nữ |
Sản xuất theo hướng hữu cơ
Trở thành tỷ phú không còn là ước mơ xa vời của người nông dân dân tộc Tày trên mảnh đất Hàm Yên.
Cùng với 24 thành viên là các nhóm sản xuất cam sành tại hai xã Nhân Mục, Bằng Cốc, yêu cầu bắt buộc của HTX là các nhóm nông dân phải sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Sản phẩm cam sành của HTX đã quen thuộc với người dân ở các thành phố lớn, các chuỗi thực phẩm sạch, được khách hàng và đối tác đánh giá cao. HTX có bao nhiêu cam là tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Để tạo đầu ra ổn định cho các thành viên, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều siêu thị, các cửa hàng lớn tại Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác.
Với mục đích nâng cao giá trị của sản phẩm, các thành viên HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc cam, sử dụng phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học, bắt sâu bệnh thủ công, để tạo nên những sản phẩm cam an toàn và bảo vệ được môi trường.
Hiện tại, HTX đã nghiên cứu thành công các sản phẩm từ cam, như: Nước cam lên men, tinh dầu cam, xà bông từ cam và đang xúc tiến các hoạt động kêu gọi vốn để lắp đặt nhà xưởng, dây chuyền sản xuất các sản phẩm này.
Từ đó vừa nâng cao giá trị sản phẩm cam sành, đa dạng các nguồn tiêu thụ, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho các hộ trồng cam, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Kế hoạch của HTX trong thời gian tới là mở rộng quy mô, thu hút thêm nhiều bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con kỹ thuật và tạo đầu ra cho sản phẩm cam.
Hà Xuyên