4 năm trước khi làm phiên dịch viên cho một doanh nghiệp tại Hà Nội hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, trong một lần tình cờ đi cùng đoàn chuyên gia của Viện giống cây trồng Trung ương và Đại sứ quán Peru đến thăm mô hình hợp tác trồng thử nghiệm sachi, chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang (xã An Khang, Tp.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã nhen nhóm ý định khởi nghiệp với loại cây ngoại quốc này.
Toàn tâm toàn lực với sachi
Nghe các chuyên gia nông nghiệp nước ngoài nói về đặc tính, công dụng của cây sachi khiến chị càng tò mò hơn. Khi được chiêu đãi các món ăn chế biến từ sachi lại càng cuốn hút chị. Chị Hiền liệt kê, ngọn sachi được xào với thịt bê, lá hãm nước uống, hạt chế biến rang có thể sánh ngang với hạt điều của Việt Nam.
Kể từ đó, chị lặn lội ngược xuôi từ Viện Giống cây trồng Trung ương (Bộ NN&PTNT) đến từng đồng đất của nông dân để thực hiện giấc mơ xây dựng nhãn hiệu sachi Tuyên Quang.
Sachi là loại cây đa công dụng. Sản phẩm được chế biến từ hạt sachi rất đa dạng, như dầu ăn, thực phẩm, mỹ phẩm… Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Giống cây trồng Trung ương, sachi là loại cây thích nghi rộng, có thể trồng được ở nhiều vùng với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ.
Cây sachi là loại dây leo, chu kỳ khai thác trên 15 năm, cho thu hoạch quả rải rác quanh năm. Cây rất ít sâu bệnh, sinh trưởng mạnh, ít tốn công chăm sóc. Riêng sản phẩm sachi được biết đến là một siêu thực phẩm trên thế giới với giá trị dinh dưỡng vượt trội. Sachi vừa là cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lấy dầu… Tuy nhiên, sachi trồng chủ yếu để lấy hạt.
Biết được điều đó, chị Hiền càng mong muốn tìm hiểu về nó. Hành trình đi thăm các mô hình trồng sachi của chị bắt đầu từ Viện Giống cây trồng Trung ương, rồi đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến khiến giấc mơ đưa cây trồng này về quê mỗi ngày một lớn.
Tìm hiểu sâu, chị Hiền còn biết thêm thông tin công ty CP Inca Việt Nam là đơn vị duy nhất thực hiện sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm sachi tại miền Bắc.
HTX sẽ đầu tư dây chuyền bóc tách, chế biến hạt để hình thành chuỗi sản xuất khép kín |
Hình thành chuỗi khép kín
Quyết định gắn kết với cây sachi, chị Hiền đã đến gặp trực tiếp lãnh đạo công ty để trao đổi và mong muốn được hợp tác sản xuất. Khi nhận hợp tác sản xuất sachi cũng là lúc chị Hiền xin nghỉ hẳn công việc phiên dịch.
8 tháng sau khi trồng, sachi phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và bắt đầu cho quả. Sản phẩm sachi đầu tiên được thu hoạch trong niềm vui lớn của chị, người thân và các chuyên gia nông nghiệp. Trên diện tích 3 sào sachi trồng thử nghiệm, lượng quả sachi thu được chị dành để biếu, tặng người thân và tự mình làm marketing tìm kiếm thị trường.
Thành công của mô hình thử nghiệm là động lực để chị Hiền dồn toàn tâm, toàn lực thành lập HTX sản xuất sachi hữu cơ và mở rộng quy mô sản xuất.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, hơn một năm đưa cây sachi về đất Tuyên Quang, HTX đã liên kết được với 50 thành viên thuộc 4 HTX nông nghiệp và dịch vụ các xã: Hào Phú (Sơn Dương), Tân Thành (Hàm Yên), Bình An (Chiêm Hóa), An Khang (Tp.Tuyên Quang) để trồng 10 ha sachi. Một số diện tích sachi đã cho thu hoạch, HTX đang thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg.
Tới đây, khi cây sachi đạt trên 2 năm tuổi, có thể khai thác lá, ngọn. HTX sẽ tiến hành thu mua thêm cả lá, ngọn. Tuy nhiên, để bảo đảm cho cây sinh trưởng tốt, cho quả đều người trồng sachi không được tận thu lá, ngọn. Hiện, sachi của HTX đang được công ty Inca Việt Nam bao tiêu sản phẩm để chế biến dầu sachi, Omega sachi, hạt sachi rang…
Chia sẻ về nhiệm vụ tới đây, Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư dây chuyền bóc tách, chế biến hạt, đóng gói các sản phẩm sachi để hình thành chuỗi sản xuất khép kín tại Tuyên Quang. Việc làm này vừa giúp giảm giá thành sản phẩm, vừa là tiền đề để xây dựng nhãn hiệu sachi Tuyên Quang.
Hoàng Lê