Trong tháng 11/2020, HTX chăn nuôi dê An Linh đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động ở ấp 6, gồm 12 thành viên ban đầu, với nghề chính là chăn nuôi dê, cừu và sản xuất giống dê, cừu, hươu, nai và buôn bán chuyên doanh khác.
Đa dạng hóa mô hình kinh tế
HTX này được kỳ vọng sẽ làm cầu nối trong việc phát triển kỹ thuật chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai ở xã An Linh và cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, hướng đến tương trợ lẫn nhau, nâng cao đời sống cho các thành viên.
HTX chăn nuôi dê An Linh đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ đa dạng sản phẩm chăn nuôi (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, HTX chăn nuôi dê An Linh thời gian tới sẽ tạo ra những sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, HTX sẽ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, cung ứng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, ổn định đầu ra sản phẩm của các thành viên.
HTX cũng đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ đa dạng sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai ở xã An Linh trên thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Dương, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Hiện nay ở xã An Linh có một số mô hình đa dạng hóa kinh tế, cây trồng, vật nuôi của một số hộ đồng bào dân tộc được đánh giá hoạt động khá hiệu quả, trở thành mô hình điểm cho các hộ dân đồng bào dân tộc ở tỉnh Bình Dương đến tìm hiểu và học hỏi, áp dụng vào sản xuất.
Điển hình như mô hình làm kinh tế vườn, chuồng kết hợp gồm trồng chuối cau, trồng tiêu, kết hợp nuôi dê và heo theo hình thức khép kín của hộ gia đình ông Đặng Hữu Quỳnh là người dân tộc Nùng ở ấp 30/4. Theo đó, phế phẩm chăn nuôi dê sẽ được dùng để bón cho cây tiêu và chuối cau và ngược lại lấy sản phẩm từ cây tiêu, chuối cau để chăn nuôi dê.
Nhờ mô hình này, với chỉ hơn 6 sào đất, sau hơn 6 năm, gia đình ông Quỳnh từ hai bàn tay trắng đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá, ổn định và là hộ tiêu biểu của đồng bào dân tộc xã An Linh làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững.
Ở xã An Linh còn có nông dân Phạm Văn Tiền được tiếng là làm kinh tế giỏi. Ngoài 13ha cao su cho thu nhập ổn định, ông Tiền còn có mô hình đa dạng hóa nuôi cá, nuôi nhím và gần đây nhất là nuôi yến. Hiện tại, tổng thu nhập từ các nguồn kinh tế của gia đình ông Tiền bình quân đạt 830 triệu đồng/năm.
Hướng tới đích nông thôn mới nâng cao
An Linh từng là một trong 2 xã nghèo nhất của huyện Phú Giáo. Tuy nhiên, các hội ban ngành của xã đã nỗ lực tạo sinh kế cho các lao động ở địa phương, giúp bà con có nghề nghiệp ổn định và có nhiều mô hình để người dân phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Bộ mặt nông thôn mới nâng cao ở xã An Linh ngày càng khang trang (Ảnh: TL) |
Với những nỗ lực đáng ghi nhận, từ 3 năm trước, số hộ nghèo ở xã An Linh theo tiêu chí của tỉnh Bình Dương giảm còn 8 hộ (chiếm tỷ lệ 0,58%), hộ cận nghèo giảm còn 53 hộ (chiếm tỷ lệ 3,86%). Nếu như năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 44 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên rõ rệt, đạt 60 triệu đồng/năm.
Cách đây 5 năm, xã An Linh đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và liên tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định của tỉnh Bình Dương.
Thời gian qua, xã An Linh không ngừng nâng chất nông thôn mới và tính đến tháng 11/2020 đã đạt 19/19 tiêu chí, 41/43 chỉ tiêu của xã nông thôn mới nâng cao.
Ngoài việc thành lập mới HTX chăn nuôi dê trong tháng 11 vừa qua, thời gian tới xã An Linh sẽ tiếp tục định hướng cho người dân tham gia các tổ liên kết sản xuất, định hướng thành lập mô hình kinh tế hợp tác và hướng đến thành lập HTX nhằm bảo đảm đầu ra, giảm giá thành cho sản phẩm của nông dân địa phương.
Đặc biệt, xã sẽ phát triển mô hình kinh tế trang trại thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý như phát triển và duy trì diện tích cây lâu năm khoảng 2.000 ha, diện tích cây hàng năm khoảng 40 ha.
Hơn nữa, để giữ vững việc nâng chất nông thôn mới, xã An Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Mặc khác, xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Thanh Loan