Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện được tỉnh Phú Thọ ưu tiên hàng đầu, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là bởi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng.
Lợi ích "kép"
Bà Lê Thị Huệ, khu 3 xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao cho biết: "Làm ruộng bây giờ nhàn và thích lắm, chứ không vất vả như trước kia. Đặc biệt, trên địa bàn xã có HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lại hỗ trợ nông dân trong các khâu làm đất, cấy hái, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thu hoạch đến phơi khô. Chi phí cho sản xuất giảm được từ 150.000 - 180.000 đồng/sào/vụ, giá thóc tăng thêm khoảng 2.000 đồng/kg nên thu nhập của nông dân chúng tôi cũng được nâng lên".
![]() |
HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lại hỗ trợ các dịch vụ nông nghiệp cho nông dân (Ảnh: Tư liệu) |
Kết quả này có được là nhờ các cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lại đã quyết tâm thực hiện việc dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng lớn tập trung gieo cấy cùng giống, cùng trà. HTX dịch vụ nông nghiệp của xã đầu tư mua sắm các loại máy làm đất, máy phun thuốc BVTV, máy gặt đập liên hoàn, áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại, giảm số lần phun thuốc BVTV/vụ như IPM (quản lý dịch hại tổng hợp)... được đông đảo bà con nông dân trong xã và các xã lân cận ủng hộ.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, để thuận tiện đưa các loại máy móc, xây dựng cơ sở hạ tầng và tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa của người dân đòi hỏi phải có vùng sản xuất tập trung, diện tích lớn. Vì thế, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh như trồng bưởi Diễn ở huyện Đoan Hùng, Phù Ninh; trồng rau an toàn ở TP Việt Trì, huyện Lâm Thao, Phù Ninh; trồng hoa ở huyện Thanh Thủy; cánh đồng lớn trồng lúa chất lượng cao ở các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê...
Tại các địa phương này, người dân đã bắt đầu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất cho hiệu quả rất cao. Đây là công nghệ phù hợp với việc tưới cho diện tích cây trồng lớn, tiết kiệm từ 40 - 50% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống và bảo vệ được nguồn tài nguyên nước ngầm, giảm đáng kể nhân công lao động.
Nhân rộng mô hình
CTCP Khoa học và Công nghệ H2 tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba đã áp dụng công nghệ này vào diện tích hơn 80ha trồng cây ăn quả, cho hiệu quả rất cao. Ông Đặng Vinh Quang, kỹ sư của Công ty cho biết: "Chúng tôi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, pha các loại phân bón, chất dinh dưỡng và điều khiển quá trình tưới qua hệ thống máy tính nên không cần nhiều lao động”.
![]() |
Nuôi bò BBB theo quy trình khép kín giúp bảo vệ môi trường (Ảnh: TL) |
Toàn bộ diện tích sản xuất của Công ty chỉ có 10 lao động, nếu như áp dụng biện pháp truyền thống tối thiểu phải có từ 30 lao động trở lên. Để cây phát triển bền vững, Công ty hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, đưa giá trị trên một đơn vị diện tích cao gấp 2-3 lần.
Không chỉ trong trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều thay đổi đáng kể khi áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường. Cách đây 2 năm, một số hộ dân trên địa bàn xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa triển khai nuôi bò thịt BBB theo mô hình chất lượng cao đầu tiên của tỉnh.
Bò BBB được chăn nuôi theo quy trình khép kín, thức ăn chính là ngô, cỏ voi được ủ men vi sinh, bảo đảm không có tác động của các chất kích thích. Qua đánh giá, năng suất, chất lượng của bò BBB cao hơn nhiều so với chăn nuôi bò thịt thông thường, bình quân một con bò BBB có trọng lượng từ 400 - 500kg. Đặc biệt, người chăn nuôi ở Hạ Hòa đang từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, lạc hậu, khâu kỹ thuật và tăng khối lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng ngày càng được chú trọng.
Từ những mô hình trên, có thể thấy quan điểm phát triển sản xuất của khá nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân hiện nay luôn đặt song song với vấn đề bảo vệ môi trường như hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc hóa học; sử dụng các loại men vi sinh phân hủy để xử lý chất thải chăn nuôi. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh nhân rộng các mô hình này cho bà con nông dân học tập và làm theo.
Thu Huyền