Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Còn lượng chất thải từ hoạt động sản xuất lúa chiếm tới 50% chất khô. Nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ loại cây lương thực truyền thống này cũng rơi vào khoảng 1 tấn, tương đương 10 -12 tấn phụ phẩm/ha. Do vậy, hoạt động sản xuất lúa gạo hàng năm sẽ tạo ra một khối lượng rơm rạ khổng lồ.
Hiệu quả từ thực tiễn
Khối lượng rơm rạ lớn mà không được sử dụng hết là nỗi lo về các bãi chứa, đe dọa ô nhiễm môi trường, đặc biệt với những địa phương có tỷ lệ về sản xuất nông nghiệp lớn.
Những năm trước, nông dân xã Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hóa) làm lúa xong, lượng rơm rạ dư thừa được xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng.
Theo quan niệm của bà con, do đặc thù sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thời gian chuyển vụ từ vụ đông xuân sang vụ hè thu quá ngắn, phần nhiều nông dân muốn nhanh gọn, thuận tiện nên đã chọn cách đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng.
Trước thực trạng trên, HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến đầu tư mua các máy cuộn rơm nhằm cung cấp cho các trang trại chăn nuôi bò sữa trong và ngoài tỉnh. Với hệ thống máy hiện đại, được đầu tư mới, HTX không chỉ thực hiện thu gom rơm rạ trên địa bàn xã Đông Tiến mà dần dần còn mở rộng sang hầu hết các xã ở huyện Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa…
Đốt rơm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Trung bình mỗi vụ, một máy có thể cuộn được 8.000- 9.000 cuộn rơm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 100 triệu đồng/máy. Ngoài cuốn rơm, HTX Đông Tiến còn thực hiện ủ rơm làm phân sinh học phục vụ cho các trang trại trồng cây ăn quả.
Tương tự, tại xã Diên Lạc (Diên Khánh, Khánh Hòa), nông dân đã quen với những chiếc máy rơm cuộn từ mấy năm nay bởi HTX Nông nghiệp Diên Lạc đầu tư máy và đứng ra hợp đồng với người có máy thực hiện thu gom rơm thành cuộn và bán cho khách hàng có nhu cầu như: Làm nấm, ủ gốc, thức ăn cho trâu bò.
Hiện nay, bình quân 1ha lúa đã thu hoạch được HTX mua rơm với giá 600.000 đồng để thuận tiện cho công tác thu gom. Việc này giúp nông dân có thêm thu nhập từ rơm, hạn chế tình trạng đốt rơm sau những vụ thu hoạch và tiết giảm sức lao động.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), nhiệt độ trái đất tăng bình quân hàng năm 0,5 độ C. Nếu mức nhiệt độ trên tăng lên thành 1 độ C thì sản lượng lương thực sẽ giảm đi 10%.
Các chuyên gia cũng cho rằng khi tình trạng này xảy ra, không chỉ các vùng trồng lúa lớn như Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra, mà ngay các vùng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng sẽ bị tác động không hề nhỏ. Bởi đặc điểm khí hậu của khu vực miền Trung, Tây Nguyên vốn có nắng hạn diễn ra rất gay gắt và kéo dài. Nếu thường xuyên đốt rơm rạ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì hoạt động nông nghiệp sẽ càng dễ bị ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc các HTX ở khu vực này đẩy mạnh thu gom rơm rạ bằng máy móc hiện đại đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng. Nguồn rơm rạ sau thu hoạch hoạch cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng lúa, giúp bảo vệ các loại cây trồng khác tốt hơn.
Ông Nguyễn Trường Sanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Lạc, cho biết thu gom rơm rạ một cách bài bản đã thể hiện quy trình sản xuất lúa ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả của các HTX và các địa phương. Đặc biệt, khu vực miền Trung, Tây Nguyên nắng nóng, nhiệt độ cao và tình trạng nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt, nên gây nhiều khó khăn cho chăn nuôi. Vì vậy, thu gom rơm rạ tốt sẽ giúp ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia đại gia súc giải quyết khó khăn này.
Ngoài ra, việc sử dụng máy cuốn để thu gom rơm rạ còn đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo đà cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Cần xây dựng chuỗi rơm rạ
Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ thu gom, xử lý rơm rạ là vấn đề của nông dân, HTX… Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề này không đơn giản như vậy, bởi để xử lý hàng triệu tấn rơm rạ đòi hỏi phải có một tầm nhìn hệ thống, thậm chí phải tổ chức sản xuất sao việc xử lý rơm rạ phù hợp với đặc điểm thời tiết thất thường, đồng ruộng manh mún, có thị trường để đưa rơm rạ thành hàng hóa.
Điều đầu tiên là dù các HTX ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên những năm gần đây đã đầu tư máy cuốn rơm nhưng số lượng máy đang còn ít, chỉ tập trung ở một số HTX nông nghiệp dịch vụ và chuyên canh cây lúa. Trong khi người dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên gây khó khăn khi đưa máy cuốn rơm vào hoạt động.
Cụ thể, nhược điểm của giải pháp này là chỉ có thể làm được ở những ruộng cao và rơm phải khô. Nếu chỉ một cơn mưa xuống là cả máy cuốn và thợ máy phải… “ngồi chơi”. Mặt khác, việc thu gom rơm rạ ở miền Trung, Tây Nguyên hiện nay cũng vấp phải nghịch lý là có rất ít chuỗi thu mua rơm rạ hay phân bón ủ từ rơm. Trong khi các trại chăn nuôi đại gia súc đang thiếu rơm và còn phải lặn lội mua rơm tận miền Nam.
Rơm sau khi cuốn vừa có giá trị kinh tế, vừa giúp nông nghiệp phát triền bền vững. |
Bên cạnh đó, để đầu tư một máy cuốn rơm là điều không hề dễ dàng với nhiều HTX vì cần có chi phí cao, trong khi nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp lại khó khăn về nguồn vốn, nguồn nhân lực điều hành máy an toàn.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng để thực hiện tốt việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, người dân và các đơn vị sản xuất phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quy hoạch thành vùng sản xuất lúa tập trung, điều hành được khâu làm đất và nước tưới tiêu để máy cuốn rơm hoạt động được trên diện rộng, phát huy hết công suất.
Ngoài ra, rất cần có sự hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, vì ngoài sự năng động, mạnh dạn của các HTX và nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất thì sự hỗ trợ của các ngành liên quan trong nghiên cứu những loại máy cuốn rơm, thu hoạch rơm phù hợp với địa hình của khu vực miền Trung, Tây Nguyên hay có giá cả đa dạng, hợp lý sẽ giúp người dân, HTX có nhiều lựa chọn và ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn.
TS. Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch (SIAEP), cho rằng các trường cơ khí, các HTX có thể liên kết với nhau theo hình thức: sinh viên sau nghiên cứu có thể thực hành và làm việc tại các HTX, còn các HTX có thể gửi thành viên vào các trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Điều này vừa giúp các nghiên cứu về máy móc có thể ứng dụng vào thực tiễn, vừa giúp các HTX nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, tiết giảm chi phí đầu tư. Qua đó, hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng, tận dụng được các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, lại hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, các địa phương cần cân nhắc, tính toán hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX trang bị máy móc để giải quyết tình trạng rơm rạ tồn dư, bị đốt bỏ.
Tùng Lâm