Tháng 4 vừa qua, những cơn mưa trái mùa đã khiến HTX sản xuất muối Tân Thuận (Cà Mau) diễn ra vào đúng thời điểm ruộng muối đang chuẩn bị kết tinh nên 24 ha muối của các thành viên đều bị thiệt hại hoàn toàn, không còn đủ thời gian để khắc phục hay giảm bớt thiệt hại.
Nhiều HTX trắng tay
Ông Lý Văn Đẳng, Giám đốc HTX Tân Thuận, cho biết với 24ha, năng suất muối có thể đạt trên 70 tấn/ha, giá bán từ 1.000-1.500 đồng/kg. Nhưng nay, HTX không những không có muối bán cho khách hàng mà còn không có thu nhập, công sức trước đó coi như “đổ sông, đổ bể”. Chính vì vậy, tất cả các thành viên của HTX đều rất cần sự hỗ trợ từ các Nhà nước để ổn định cuộc sống, tiếp tục duy trì nghề.
“Nghề làm muối đã vất vả, mất nhiều thời gian nhưng lại bị phụ thuộc vào thời tiết. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng cũng khiến thành viên khó chuyển đổi nghề. Nếu không được sự hỗ trợ của các cấp ngành thì nghề làm muối mãi…mặn chát”, ông Đẳng chia sẻ.
Cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà 100ha lúa của HTX nông nghiệp Vân Trình (Thừa Thiên Huế) đã bị ngập sâu từ 1,2 -2m trong hơn một tuần do lũ tiểu mãn bất thường vào đầu tháng 4 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX Vân Trình, nhẩm tính thiệt hại lần này lên đến hàng tỷ đồng bởi HTX đang có 526 thành viên. Và dù đã cùng địa phương cật lực đóng bao cát, đắp đê nhưng tất cả các thành viên đều bị thiệt hại bởi đợt lũ này.
Đặc biệt, sản xuất trên diện tích lớn nên dù không được thu hoạch nhưng HTX đã phải bỏ ra ra 3,4 tỷ đồng phục vụ mua giống gieo sạ, chăm sóc lúa. Nay, thành viên và người dân bị mất trắng cũng đồng nghĩa với việc HTX Vân Trình không có hàng hóa để tiêu thụ và không thu hồi được vốn.
“Vào vụ lúa sắp tới, HTX rất mong muốn cấp trên quan tâm để tạo điều kiện vay mượn phân, giống, tìm cách để dân làm lại”, ông Tú nói.
Thiên tai, biến đổi khí hậu khiến không ít HTX bị thiệt hại về kinh tế. |
Có thể thấy, thiên tai hầu như năm nào cũng có và không cố định ở một địa phương. Khi xảy ra, thiên tai dịch bệnh thường ảnh hưởng nặng nề và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Nhiều HTX thậm chí bị “mất trắng” nên mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể khôi phục được sản xuất.
Khảo sát về tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp ASEAN đã cho thấy, biến đổi khí hậu nói chung gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp trong khu vực: như khó duy trì chất lượng đất trồng (92%), khó kiểm soát bệnh thực vật (88%), khó duy trì hiệu quả năng suất cây trồng (88%) và khó quản lý sâu bệnh, dịch hại (85%)…
Còn điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn ở ĐBSCL cho thấy, có đến 80,3% HTX khảo sát chịu ảnh hưởng của các hiện tượng biến đổi khí hậu. Và khi đó, chi phí sản xuất sẽ tăng thêm ít nhất 26,2% nhưng năng suất lại giảm khoảng 35,2%, diện tích mất trắng khoảng 48,1%.
Thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu đối với sản xuất kinh doanh của các HTX là không hề nhỏ. Trong khi các HTX hiện nay dù đã áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng sản xuất phần lớn vẫn bị phụ thuộc vào thiên nhiên nên việc bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.
Chính vì vậy, hầu hết các HTX hiện nay đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí, giống, thuốc bảo vệ thực vật… sau khó khăn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ giảm, giãn, khoanh nợ đối với HTX, người dân đối với những khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc có những cơ chế hỗ trợ các HTX nông nghiệp về nguồn vốn để mua vật tư giúp người dân có điều kiện tái sản xuất.
"Chúng tôi rất mong được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư như phân bón, túi bao trái, cây giống… hoặc một phần chi phí dựa trên diện tích hoặc số lượng cây trồng, vật nuôi. Vẫn biết sự hỗ trợ đó không thấm tháp gì so với thiệt hại mà HTX phải gánh chịu, nhưng dù nhỏ cũng là sự động viên lớn lao để tiếp tục gắn bó với nông nghiệp và mô hình HTX”, chị Lò Thị Duyên, thành viên HTX Hợp lực Pản Phong (Sơn La) từng bị có diện tích xoài không ra trái do ảnh hưởng bởi các trận mưa đá đầu năm 2022, tâm sự.
Hỗ trợ cần kịp thời
Thực tế, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thông qua Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.
Theo nghị định, hộ nông dân, người nuôi trồng thuỷ sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định thì sẽ được hỗ trợ theo quy định…
Trước khi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP được ban hành, việc hỗ trợ các HTX được thực hiện theo các Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg, được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg.
Từ khi ra đời, các chính sách hỗ trợ vốn giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh cơ bản đã tạo cho người dân và thành viên HTX vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, chỉ tính từ năm 2013-2020 mới có 232 HTX được hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, bệnh dịch với kinh phí là 115,6 tỷ đồng.
Riêng với các HTX, tổ hợp tác bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi, mới có 911 HTX chăn nuôi lợn và 9.944 trang trại chăn nuôi lợn được hỗ trợ theo Quyết định số 48/2019/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ là 30.000đồng/kg thịt lợn tiêu hủy và 10.000đồng/kg thịt lợn hơi.
Còn về hỗ trợ HTX do tác động của dịch bệnh Covid-19, đến nay trên toàn quốc mới có 2 địa phương là Đắk Lắk và Bình Dương có kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ cho các HTX. Theo đó, mới có 69 HTX được lập kế hoạch hỗ trợ với kinh phí từ ngân sách địa phương khoảng 589 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ vốn và giống đang tập trung hỗ trợ các đối tượng trực tiếp sản xuất đó là nông dân, thành viên HTX, tổ hợp tác trong khi các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện các hoạt động dịch vụ, nên việc thực hiện chính sách này chủ yếu được giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn. Các cấp ngành này sau khi rà soát, xem xét người dân, HTX sau khi bị thiệt hại có đáp ứng các điều kiện đã quy định trong chính sách thì sẽ được nhận hỗ trợ theo quy định.
Việc này có lẽ đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Bởi muốn các hỗ trợ đến kịp thời được với người dân, HTX, các địa phương, cụ thể là cấp tỉnh, thành phố phải nhanh chóng nắm bắt tình hình của các HTX sau đó ban hành các văn bản cụ thể để làm căn cứ thực hiện hỗ trợ theo quy định. Thế nhưng thực tế chỉ có ít địa phương làm được điều này.
Chẳng hạn như tại Bình Dương Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND về việc Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Chính vì vậy, một số HTX đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn hỗ trợ và tái sản xuất hiệu quả.
Để số lượng và tỷ lệ các HTX tiếp cận được nguồn hỗ trợ cao hơn, sự vào cuộc của Nhà nước và các cấp ngành là điều vô cùng cần thiết. Bởi chỉ khi nào chính quyền địa phương quan tâm đến mô hình KTTT, HTX thì HTX ở đó mới phát triển.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần xem xét đến việc chính sách hỗ trợ vốn, giống chỉ thực hiện trong trường hợp xác định được nguyên nhân do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Các chuyên gia cho rằng điều này là nhằm loại bỏ tình trạng lợi dụng, trục lợi từ chính sách hỗ trợ nhưng lại gây khó cho người dân, HTX vì có khi thiên tai dịch bệnh chỉ xảy ra trong một chốc, một lát còn nhiều người dân, HTX không thể có đủ điều kiện, phương tiện để quay lại, ghi lại những thực tế đó. Hoặc sản xuất nông nghiệp thường theo mùa vụ, đến khi ngành chức năng đến xác thực thì hiện trạng khó khăn đã không còn.
Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, muốn hạn chế rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai, HTX cần chú trọng sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin. Có như vậy mới tạo sự đột phá trong sản xuất, hạn chế bị phụ thuộc vào thiên nhiên.
Huyền Trang