Dù đất Chiềng Ban không phải là vựa cam có truyền thống lâu năm ở Mai Sơn, nhưng những vườn cam của các thành viên HTX Trường Tiến đã khẳng định chất lượng khác biệt. Các thành viên cũng không đặt nặng vấn đề màu sắc, size quả mà chủ yếu chăm chút làm sao cho cam có vị ngọt đậm, sâu và giữ được mùi thơm riêng biệt của loại quả này.
Thu lợi lâu dài
Từng là những người nông dân gắn bó với đồng ruộng, các thành viên HTX Trường Tiến hiểu rõ những tác động xấu của phân bón vô cơ đối với đất đai và cây trồng. Thế nên, khi tham gia HTX, từng thành viên đã quyết không sử dụng phân bón vô cơ.
Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến chia sẻ, cam là loại cây trồng cần nhiều chất dinh dưỡng từ đất, nhưng nếu bón phân vô cơ sẽ chỉ thu lợi trong giai đoạn đầu. Khi sử dụng phân hữu cơ, cam sẽ được cung cấp dưỡng chất từ từ nên phát triển bền vững. Việc này còn nhằm bảo vệ môi trường sống, đồng thời tránh các loại nấm và bệnh do vi sinh vật có hại gây ra. Hơn nữa, phân bón tốt cũng sẽ giúp vị quả đạt chất lượng cao hơn.
Vì vậy, HTX Trường Tiến hướng dẫn thành viên cải tạo đất, thiết kế lại vườn cam với mật độ phù hợp, quản lý dịch hại, cắt tỉa cành, tạo tán, thu hoạch theo quy trình VietGAP.
Sử dụng phân hữu cơ giúp cây cam phát triển bền vững, môi trường được hưởng lợi. |
Đối với những vườn lâu năm, HTX tập trung đầu tư cải tạo, mạnh dạn phá bỏ các cây già cỗi, sâu bệnh, còi cọc để trồng mới bằng giống chất lượng cao, sạch sâu bệnh. Vườn đã trồng đi trồng lại nhiều lần, đất đã nghèo dinh dưỡng thì cần có chế độ luân canh với cây trồng họ đậu để cải tạo đất.
Vào mùa thu hoạch cam cũng là mùa côn trùng phát triển. Để tránh quả cam bị côn trùng châm chích, các thành viên dùng tấm dính ruồi để thu hút côn trùng hoặc phun xịt bằng chế phẩm sinh học chứ không phun thuốc hóa học trừ côn trùng. Điều này giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường và cũng khiến các đơn vị thu mua rất tin tưởng về độ sạch của sản phẩm.
Cam của HTX Trường Tiến tuy có "xấu mã" hơn một chút so với cam nơi khác, nhưng bù lại chất lượng lại vượt trội. Khi biết cam không sử dụng phân bón hoá học, có chứng nhận VietGAP, khách hàng lại càng ưa chuộng hơn.
Đến nay, 32 ha cam của HTX đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây cũng là “giấy thông hành” để HTX tiếp cận thị trường. HTX cũng đẩy mạnh liên kết với các thương lái, các cửa hàng và các siêu thị trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng lâu dài, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững cho sản xuất.
Năm nay, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành. HTX cũng có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở một số tỉnh, thành phố lớn.
Ngay từ đầu vụ sản xuất, HTX đã được các đơn vị thu mua đến từ Hà Nội và Hải Phòng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại vườn. Đến nay, HTX đã tiêu thụ gần 400 tấn quả. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất, cung ứng cây giống, tư vấn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm với 13 HTX trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp, Sông Mã và thành phố Sơn La.
Tự chủ nguồn phân bón
Từ những ưu điểm, lợi ích sử dụng phân hữu cơ và áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, HTX Trường Tiến đã áp dụng kỹ thuật để tự ủ phân hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến chia sẻ: Năm 2016, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thành viên biết đến mô hình ủ phân hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ vỏ cà phê, lõi ngô, phân chuồng, bột sắn và bã dong riềng... Điều thuận lợi là những nguyên liệu này rất sẵn ở địa phương. Ngoài ra, HTX còn đang sản xuất 18ha cà phê nên có thể tận dụng hàng chục tấn vỏ quả cà phê để ủ làm phân.
Trồng cam bằng phân hữu cơ trên đất dốc giúp bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. |
Tận dụng số lượng vỏ cà phê, phân chuồng, lõi ngô, bột sắn và bã dong riềng ủ với nấm Trichoderma, HTX thu được một loại phân hữu cơ có chất lượng vượt trội so với nhiều loại phân hữu cơ nhập đắt tiền.
Từ thử nghiệm, đến nay, HTX hướng dẫn các thành viên HTX ủ phân hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ thay thế hoàn toàn phân hóa học để chăm bón vườn cây ăn quả.
Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, hàng năm, HTX tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón. Vườn cây sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất được cải tạo, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng quả tăng khoảng 30%.
Đặc biệt, trong quá trình ủ phân, HTX có kết hợp thêm với chế phẩm sinh học để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của phế phụ phẩm, giảm mùi hôi nhanh chóng nên hoàn toàn bảo đảm vệ sinh môi trường.
Mô hình sản xuất của HTX Trường Tiến đã được các cấp ngành đánh giá cao vì có tính bền vững và có khả năng phát triển, mở rộng diện tích. Đây cũng là mô hình điểm của địa phương về sản xuất hàng hóa đi đôi với bảo vệ môi trường, từ đó góp phần giúp xã Chiềng Ban hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Vĩnh Bảo