Thực tế đã chứng minh, bằng cách tự bỏ chi phí hay được địa phương, Nhà nước hỗ trợ, nhiều nông dân, thành viên HTX, tổ hợp tác sau khi kết thúc các chuyến “du học” tại các nước có nền nông nghiệp phát triển đã trở về địa phương áp dụng phương thức sản xuất mới, thay đổi cách tiếp cận thị trường.
Trăm nghe không bằng một thấy
Tiêu biểu như Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) Nguyễn Đức Huy đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu về nông nghiệp tại Australia và nhiều nước khác.
Đây là những kinh nghiệm quý giá giúp anh sau này về nước thành lập HTX và phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện đại bậc nhất ở Lâm Đồng. Cây trồng được chăm sóc, quản lý thông qua từng con chip kết nối với máy tính nên cho chất lượng và hiệu quả cao. Từ đó giúp HTX phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, thu hút được sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Mỗi năm, HTX mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho mỗi thành viên.
Cũng có cơ hội học tập, nghiên cứu nông nghiệp tại Israel 2 năm và đăng ký học đào tạo chính quy chất lượng cao tại Vương quốc Đan Mạch, anh Hồ Quốc Khánh (Sơn Dương, Tuyên Quang) quyết định trở về quê hương lập nghiệp và có cơ hội làm việc tại HTX Nông nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa).
HTX Thủy Canh Việt đóng gói nông sản phục phụ tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử |
Tại đây, anh đã chuyển giao, hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ tự động, công nghệ tưới ẩm từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất. Từ đó, giúp mô hình sản xuất dưa kiếm Nhật bằng công nghệ cao cung ứng cho 1 doanh nghiệp xuất khẩu tại Hải Dương luôn đạt hiệu quả cao.
Có thể thấy, việc nông dân, thành viên HTX sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp từ những nước phát triển không chỉ giúp họ thấy được cách thức áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để cho năng suất cao, chất lượng tốt cho cây trồng, vật nuôi mà còn giúp học hỏi được cách thức tiếp cận thị trường, hàng hóa sản xuất có trọng tâm, khoa học. Từ đó, giúp họ và những người được họ chuyển giao khoa học kỹ thuật bỏ lối sản xuất mạnh ai nấy làm, đưa các mô hình nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.
Nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo
Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thủy canh Việt, cho biết thực chất nhiều nước như Thái Lan, Nhật bản có xuất phát điểm nông nghiệp không khác gì nhiều so với Việt Nam nhưng đến nay nền nông nghiệp của họ có nhiều bước vượt bậc. Điều này một phần là do các nước này có hệ thống công nghệ phụ trợ như đường giao thông, máy móc hỗ trợ nông nghiệp, quy hoạch đất đai… tốt nên chi phí vận chuyển và chi phí sản xuất, ứng dụng công nghệ giảm tối đa.
Còn theo anh Hồ Quốc Khánh, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam phát triển chậm hơn một phần là do trình độ của người làm nông nghiệp còn thấp. Tại một số địa phương, nhiều chủ trang trại, nhà vườn, HTX đã xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên do trình độ hạn chế nên vẫn làm theo lối thủ công, tự phát, ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ, từ đó làm gia tăng chi phí, trong khi năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ, thay đổi tư duy của những người làm nông nghiệp như nông dân, thành viên HTX, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và cả cán bộ quản lý là rất quan trọng. Bởi đây sẽ là bước ngoặt giúp nhiều nông dân, thành viên HTX, tổ hợp tác mở rộng đầu tư, áp dụng nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất mới, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Tiêu biểu như bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc HTX sản xuất thương mại Nấm Việt (TP.HCM) sau khi được tạo điều kiện đi học tập tại Hàn Quốc, đã về đầu tư và mở rộng mô hình nuôi trồng nấm công nghệ cao. Nếu như trước đây, một năm HTX chỉ trồng được 2 vụ nấm, thì sau khi học tập kinh nghiệm, HTX đã tăng lên 4 vụ nấm/năm, quy trình được ứng dụng máy móc và nhiều kỹ thuật mới để kết hợp sản xuất và chế biến sâu đi đôi với bảo vệ môi trường. Với nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, mô hình của HTX đã đem lại cơ hội làm giàu cho nhiều hộ nông dân, thành viên đồng thời là điểm đến để nhiều hộ ở các nơi về học hỏi, tham quan.
Việc hỗ trợ nông dân, thành viên HTX, tổ hợp tác, đơn vị khởi nghiệp học tập kinh nghiệm sản xuất từ các nước tiên tiến sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp của các địa phương và cả nước. |
Bà Lê Hà Mộng Ngọc cho biết những năm gần đây, HTX luôn chủ động đầu ra cho các hộ thành viên bằng các đơn vị thu mua có uy tín. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư, tích cực xúc tiến thương mại để có thêm nhiều bà con nông dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo.
Theo đại diện của một số HTX, việc đi học tập kinh nghiệm ở các nước khác sẽ giúp ích lớn trong nâng cao chất lượng mô hình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu nông dân, thành viên HTX tự bỏ tiền túi ra để đi học tập kinh nghiệm từ nước ngoài thì chỉ rất ít HTX, thành viên HTX có thể làm được.
Bởi thực tế những thành viên, giám đốc HTX nào đi được thì người đó phải có điều kiện kinh tế, am hiểu nhất định về thị trường. Nếu tự đi theo diện cá nhân thì cũng rất khó có thể tiếp cận, vào học tập kinh nghiệm ở những nhà máy, trang trại lớn được quản lý nghiêm ngặt. Và cũng rất khó cho cá nhân có thể tiếp cận với những tổ chức, những người quản lý có chuyên môn về nông nghiệp của các nước.
“Với nhiều nông dân làm ăn lớn, chi phí ra nước ngoài là không quan trọng, nhưng với nhiều nông dân, thành viên HTX, kinh phí chính là vấn đề”, ông Trương Xuân Bính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (Hà Tĩnh), người từng tự bỏ tiền túi sang Lào, Hàn Quốc,Trung Quốc học cách nuôi lợn công nghệ cao chia sẻ.
Mở cơ hội
Chính vì vậy, nếu các cơ quan quản lý, địa phương, Nhà nước không phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ nông dân, thành viên HTX trong việc tham gia các chuyến đi thực tế ở nước ngoài thì rất khó mở ra các cơ hội phát triển ngành nông nghiệp, rất khó thay đổi tư duy của phần đông người làm nông nghiệp. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc không tạo ra được nhiều cơ hội để người dân, HTX phát triển, nâng cao thu nhập, góp phần vào nâng cao đời sống, giảm nghèo tại địa phương.
Ông Trương Xuân Bính cho rằng để tự chủ được trang trại lợn khép kín với 300 lợn nái, 1.000 lợn thương phẩm/lứa, 3.000 lợn giống/năm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, ngoài việc chủ động của người nông dân, thành viên HTX, việc hỗ trợ từ địa phương, cơ quan quản lý là rất quan trọng.
Nắm bắt được điều này, mới đây, UBND TP. HCM đã có kế hoạch đưa 80 - 90 nông dân, thành viên tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp… trong lĩnh vực nông nghiệp đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu tiềm năng sản xuất nông nghiệp của thành phố tại các nước có nền sản xuất nông nghiệp phát triển tương đồng với nền nông nghiệp TP. HCM. Đây cũng là nền tảng giúp TP HCM hoàn thành những chỉ tiêu đã đặt ra đó là: phấn đấu 70% hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh tham gia mô hình HTX, tổ hợp tác; hàng năm có 450 hộ hội viên nông dân được tư vấn, hỗ trợ thoát nghèo.
Thực tế, việc cử nông dân, thành viên HTX… đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài đã được TPHCM thực hiện từ giai năm 2006. Ngoài ra còn có một số địa phương khác như Khánh Hòa, Lâm Đồng… cũng đã chú trọng đến vấn đề này. Và những địa phương nào quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, thay đổi tư duy cho người dân, thành viên HTX theo hình thức này đều có những dấu ấn nhất định trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngay như Lâm Đồng, hiện đang có nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông sản sạch, an toàn theo mô hình công nghệ cao nhất cả nước. Điều này cũng giúp địa phương củng cố thương hiệu “rau Đà Lạt” trên thị trường.
Theo các chuyên gia, việc Nhà nước hỗ trợ nông dân ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, mở rộng tầm nhìn là hết sức cần thiết. Vì thực tế cho những quy định cụ thể về xuất nhập khẩu, nhập cảnh mà người dân không thể hiểu hết. Cụ thể như việc nhiều nước, trong đó có Nhật Bản không cho mang cây giống, hạt giống các sản phẩm nông nghiệp được nghiên cứu và phát triển trong nước nhằm bảo vệ người sản xuất trong nước. Nếu không có hướng dẫn của đơn vị quản lý thì người dân, thành viên HTX không thể nắm bắt hết được.
Hay việc liên kết với các trường học, cơ quan quản lý, người có chuyên môn về nông nghiệp ở nước ngoài cũng cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Điều này không chỉ bảo đảm tính pháp lý mà còn bảo đảm tính quy trình trong học tập kinh nghiệm từ nước ngoài. Tránh tình trạng học nhưng thiếu giai đoạn từ đó khó áp dụng hiệu quả sau khi về nước.
Tuy nhiên, để có hiệu quả cao, nông dân, thành viên HTX khi tham gia các chuyến “du học” phải là người có kinh nghiệm, có mộng làm ăn lớn, ham học hỏi, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.
Tùng Lâm