Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mô hình kinh tế tập thể, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm chủ lực của vùng như chè, cây dược liệu, cây ăn quả có múi, các sản phẩm OCOP, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng...
HTX giữ vai trò nòng cốt
Tại huyện Tam Đường, các HTX đã và đang giữ vai trò là nòng cốt và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hiện, huyện Tam Đường có 44 HTX, với tổng vốn điều lệ đăng ký 141.075 triệu đồng. Các HTX đã quy tụ được gần 500 thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (Tam Đường) sản xuất miến đạt OCOP 3 sao. |
Mỗi HTX có doanh thu sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 450 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân 1 thành viên đạt 40 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, điểm nhấn là việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Các mô hình HTX đã đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Một số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả, đến nay có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: miến dong (HTX nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư), cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê (HTX Du lịch và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn, mật ong hoa tự nhiên (HTX Ong Vàng), chuối tươi Tam Đường (HTX Nông nghiệp xanh Tam Đường), bàn ghế mây đan Bản Giang (HTX Mây tre đan Bản Giang)…
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư cho biết, HTX được thành lập đã mang lại rất nhiều lợi ích như quy mô sản xuất được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, giúp nhiều lao động thoát nghèo.
"Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động với mức lương trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và 20 - 30 lao động thời vụ vào mùa cao điểm những tháng cuối năm", ông Ánh hồ hởi chia sẻ.
“Cất cánh” từ mô hình HTX
Còn tại huyện Sìn Hồ, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, trong đó có chính sách ưu đãi để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các HTX, doanh nghiệp tham gia phát triển cây dược liệu quy mô lớn. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng dược liệu.
Trung bình mỗi năm, HTX Mý Dao cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. |
Thông qua các HTX, đồng bào Mông, Dao trên địa bàn xã nắm bắt được kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu đến những kiến thức nâng cao về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản… Từ cây dược liệu, một số HTX đã khôi phục lại nghề thuốc truyền thống của dân tộc Dao ở vùng cao Sìn Hồ với các dòng sản phẩm như: thuốc tắm, hoa quả, dược liệu khô, dược liệu chế biến sâu... Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thêm thu nhập.
HTX Mý Dao ở khu 1, thị trấn Sìn Hồ được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm tại địa phương.
Đại diện HTX Mý Dao cho biết, sản phẩm của HTX làm ra đến đâu đều được các hiệu thuốc nam, doanh nghiệp dược phẩm… thu mua hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô. Từ chỗ chỉ đủ ăn, hiện các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 24,9%
Việc có doanh thu cao và tạo công ăn việc làm cho người lao động là đóng góp quan trọng của nhiều HTX vào công tác xóa đói giảm nghèo. Ông Lê Quý Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết: Tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh có 416 HTX thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; vốn điều lệ của các HTX là 1.056,714 tỷ đồng, bình quân của một HTX là 3,24 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm cho 6.940 người với thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 52,6 triệu đồng/năm/người.
Sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX đã góp phần giảm nghèo tại tỉnh Lai Châu. Đánh giá sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu thông tin, trong giai đoạn 2004-2021, từ các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương về hỗ trợ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân 5,87%, đạt và vượt kế hoạch giao.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 30.048 hộ nghèo, chiếm 28,54% tổng số hộ dân cư, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 26,3%. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 24,9%.
Thành quả sản xuất, kinh doanh của các HTX đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàng Hà