Sau nhiều năm gắn bó với cây chanh, tháng 11/2019, ông Cao Văn Hậu, xã Bình Hòa Nam quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 1,5 ha sang trồng rau má đồng, mở ra hướng đi hoàn toàn mới, tạo bước ngoặt trong cuộc sống gia đình.
Giá trị kinh tế vượt trội
Ông Hậu cho biết, để chuyển đổi từ trồng chanh sang trồng rau má, ông phải lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều mô hình điểm trong và ngoài địa phương. Trồng rau má vất vả hơn trồng chanh, trồng rau, đặc biệt cần chú ý tới các bệnh thường gặp như đốm đen, đốm lá, chết dây, rầy, sâu đỏ…
![]() |
Cây rau má mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi ha cho người nông dân Bình Hòa Nam (Ảnh TL). |
Tuy nhiên, rau má đồng có sức sống rất mạnh, có thể thích nghi được với thời tiết nắng, mưa, chịu được đất phèn. Chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình trồng rau má khá thấp, với 1 ha thì đầu tư bình quân 70 - 80 triệu đồng, sau 3 tháng sẽ bắt đầu cho thu hoạch.
Với thị trường tiêu thụ tốt, giá bán ổn định, chỉ cần thu hoạch đợt đầu tiên là nông dân đã thu hồi được kinh phí ban đầu, sau đợt thứ nhất thì cứ cách 1 tháng sẽ thu hoạch đợt tiếp theo. Hiện, vườn rau má của gia đình ông Hậu đang thu hoạch vào năm thứ 2, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận đạt trên 70 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Hậu, để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm, gia đình ông luôn ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa có tác dụng diệt sâu bệnh hại, vừa bảo vệ môi trường.
Tương tự, việc loại bỏ cỏ dại trong vườn rau cũng được gia đình ông xử lý thủ công bằng tay. Nguồn nước tưới cho rau má đảm bảo độ sạch, không lẫn hóa chất độc hại.
Các loại phân bón cho rau má được gia đình tuyển chọn kỹ lưỡng, ưu tiên các loại phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục đã qua xử lý vi sinh, tuyệt đối không dùng các loại phân tươi.
“Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ chất lượng tốt, giá cả ổn định, gia đình tôi đang thu về lợi nhuận bình quân hơn 120 triệu đồng/năm từ 1,5 ha rau má đồng ”, ông Hậu nói.
Liên kết nâng tầm sản phẩm
Không chỉ hoạt động riêng lẻ, nhiều hộ trồng rau má trên địa bàn xã Bình Hòa Nam đã chủ động liên kết thành lập tổ hợp tác trồng rau má, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm.
![]() |
Liên kết sản xuất giúp người trồng rau má mở rộng diện tích, giải "bài toán" thị trường (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Văn Tường cho biết, gia đình ông tham gia vào Tổ hợp tác nông nghiệp Bình Hòa Nam từ năm 2019, so với trước đó có rất nhiều cái lợi. Đầu tiên là các hộ có điều kiện trao đổi kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau má sạch. Sau đó là khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ nhanh, ổn định hơn.
“Tôi bén duyên với cây rau má từ năm 2017, ban đầu chỉ trồng hơn 0,2 ha. Sau 2 năm thấy lợi nhuận hơn hẳn các loại cây trồng cũ, tôi quyết định mở rộng diện tích lên hơn 0,5 ha. Để đảm bảo khả năng tiêu thụ cho khối lượng sản phẩm lớn, tôi đã xin tham gia vào Tổ hợp tác Bình Hòa Nam”, ông Tường chia sẻ.
Ngoài trồng rau má để bán, gia đình ông Tường còn được Tổ hợp tác hướng dẫn trồng cây để lấy hạt giống, nhờ vậy mà tiết kiệm được một khoản chi phí. Hạt giống có giá 2,5 triệu đồng/kg, cứ 0,1 ha thì phải gieo 2 - 3 kg hạt giống.
Rau má đồng có lá nhỏ, màu xanh đậm, ăn vào hậu ngọt thanh, chế biến được nhiều món ăn khác nhau,… nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại, thương lái đến tận vườn thu mua rau má đồng với giá dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo đại diện UBND xã Bình Hòa Nam, toàn xã hiện có khoảng 40 hộ trồng rau má với tổng diện tích 48 ha. Trong đó, có một tổ hợp tác trồng rau má hoạt động nổi bật với 11 thành viên, diện tích sản xuất trên 13 ha. Nhờ trồng rau má, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ vươn lên khá, số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương giảm.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng sẽ được kiểm soát để tránh tình trạng “vỡ quy hoạch”, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút, cung vượt cầu.
Để phát triển bền vững, xã sẽ vận động người dân thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, để nâng cao nội lực, hình thành chuỗi giá trị, thu hút các bạn hàng lớn, có uy tín như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, từ đó đảm bảo thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán.
Mỹ Chí