HTX Hòa Nghĩa được thành lập vào năm 2003, ban đầu chỉ có 13 thành viên và diện tích nuôi tôm 38 ha. Lúc đó, kỹ thuật nuôi còn khá đơn giản, các thành viên tự trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật với nhau là chính.
Thấy vậy, ông Tuối đã vận động nông dân cùng tham gia sản xuất theo quy trình khép kín từ lịch thời vụ, con giống và ứng dụng kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, nhiều năm liền, HTX luôn đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp các thành viên có thu nhập từ 200 triệu đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bước ngoặt khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, ngay từ nhỏ, ông Tuối đã làm quen với công việc đồng áng. Những năm 1990, ông Tuối đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm. Do cần cù, chịu khó áp dụng các tiến bộ khoa học, quy trình nuôi mới, diện tích nuôi tôm của ông Tuối liên tục mở rộng.
Chia sẻ về bước ngoặt khởi nghiệp, ông Tuối cho biết năm 2000 khi có quy hoạch nuôi tôm, chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thủy sản, gia đình ông trúng mùa tôm lại bán được giá, từ đó không chỉ cá nhân gia đình mà nguyên một ấp đều phát triển nghề nuôi tôm.
Tuy nhiên, ông Tuối cho rằng nếu nuôi tôm nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm sẽ không quản lý được môi trường, sẽ rủi ro cao do dịch bệnh. Do vậy, chỉ có liên kết các hộ nuôi hành một tập thể lớn mới khắc phục được các khó khăn này. Từ đó, HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa được hình thành và do ông Tuối lèo lái.
Ban đầu, HTX cũng vấp phải những khó khăn như tranh cãi về việc tích điểm, ăn chia công bằng. Sau khi bàn bạc, Ban quản trị HTX đã thống nhất hoạt động theo hình thức khoán đất; đất của thành viên nào thì thành viên đó làm.
Nhưng về kỹ thuật, lịch thời vụ, cách thức lựa chọn con giống và thuốc thú y, thức ăn thủy sản thì phải được cả HTX đồng thuận và thành viên cùng làm dưới sự hỗ trợ của các cơ quan khuyến nông - khuyến ngư.
Trong quá trình hoạt động, có những năm thời tiết thuận lợi thì HTX có lãi. Nhưng thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, các thành viên trong HTX đang nuôi tôm sú bị lỗ nặng. Tuy nhiên, sau vụ mùa thất bát, các thành viên họp bàn lại để đưa ra quy trình nuôi hiệu quả hơn.
Để có được kinh nghiệm nuôi tôm, ông Tuối đã đi tham quan học hỏi nhiều nơi về cách làm hay. Trong một dịp đi Thái Lan, thấy người Thái nuôi tôm rất bài bản từ việc quản lý, thả thưa, các chỉ số môi trường trong ao nuôi.
Sau chuyến đi đó, ông Tuối cũng chia sẻ những gì học được lại với các thành viên HTX, nhất là tập quán thả dày cũng được thay thế bằng phương pháp thả thưa để nuôi tôm hiệu quả hơn.
Từ việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm, ông Tuối cũng phổ biến kinh nghiệm cho các thành viên, giúp nguồn nước ao nuôi tốt hơn, giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi và tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh.
Mô hình sản xuất tôm sạch đạt chuẩn ASC của HTX |
Đạt tiêu chuẩn ASC
Hiện nay, HTX đang góp phần đưa con tôm xứ biển đến thị trường nước ngoài khi phát triển mô hình nuôi tôm đạt theo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản).
HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ tôm với công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), đồng nghĩa với việc mọi ao tôm HTX đều phải nuôi theo quy trình ASC, nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm để có con tôm sạch, không kháng sinh cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng.
Đây là tiêu chuẩn khó, nhưng với kinh nghiệm nuôi tôm theo quy trình VietGAP (một quy trình khá gần gũi với ASC) từ năm 2015, nên các thành viên HTX đều rất tự tin. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm theo tiêu chuẩn ASC với công ty Stapimex đã đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình nuôi tôm của HTX Hòa Nghĩa.
Trước đây, thành viên của HTX bán tôm cho đại lý thu mua trong và ngoài tỉnh, cũng có những thời điểm bị đại lý ép giá. Nhưng khi ký kết hợp đồng, nếu tôm không sử dụng kháng sinh khi nuôi và đạt chuẩn ASC thì có giá bán cao hơn giá thị trường 15 - 20%, nên thành viên HTX rất phấn khởi.
HTX còn được WWF Việt Nam (Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) mở các lớp tập huấn cho thành viên từ việc ghi chép sổ sách đến việc quản lý chất lượng nước, quản lý tôm nuôi. Công ty Stapimex cũng cử người xuống HTX để hướng dẫn thành viên cách bảo quản tôm sau thu hoạch để có sản phẩm tốt nhất khi đưa ra thị trường.
Chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ tôm theo tiêu chuẩn ASC sẽ là khởi đầu cho sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và các tác nhân trong ngành hàng tôm.
Hoàng Lê