Lâm Thượng là xã có diện tích măng mai lớn nhất của huyện Lục Yên với 350 ha, khoảng 642 hộ dân trồng tre lấy măng, tạo việc làm thời vụ cho gần 1.000 lao động với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Làm giàu từ nông sản địa phương
Trên địa bàn huyện Lục Yên những năm gần đây, kinh tế tập thể có bước phát triển khá, từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến sâu sản phẩm...
Cây măng mai tại xã Lâm Thượng từ lâu đã trở thành một đặc sản. Tuy nhiên, trước đây, măng mai chỉ được người dân sử dụng để ăn tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm khác nhau như măng khô hoặc măng chua để ăn dần.
![]() |
Măng mai trở thành cây xoá đói giảm nghèo của người dân Lâm Thượng. |
Nhận thấy sản phẩm măng mai có rất nhiều tiềm năng và được nhiều người ưa chuộng, nhưng do chế biến thủ công nên sản phẩm chưa có mẫu mã đẹp và chưa đảm bảo vệ sinh, tháng 3/2018, anh Phạm Hải Triều đã tập hợp, vận động một số hộ gia đình tham gia thành lập HTX Thanh niên Lâm Thượng, ngành nghề chủ yếu là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thỏ và măng mai.
Riêng với sản phẩm măng mai, Giám đốc Phạm Hải Triều cho biết, để chế biến các sản phẩm măng mai Lâm Thượng, bước đầu HTX đã xây dựng cơ sở sơ chế, đầu tư lò sấy, đăng ký thương hiệu và xây dựng bao bì mẫu mã của sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX liên kết với các hộ trồng măng trong xã để thu mua măng mai tươi và chế biến thành các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhờ năng động, sáng tạo, nên chỉ trong một thời gian ngắn thành lập, HTX thanh niên Lâm Thượng đã phát triển lên 22 hộ thành viên.
Hiện nay, HTX đang cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm măng mai sấy khô, sản phẩm được đóng trong bao bì có tem nhãn và ghi đầy đủ thông tin. Từ một sản phẩm truyền thống với giá bán chỉ đạt 130.000 đồng/kg và ít người biết đến, qua quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm từ măng mai Lâm Thượng của HTX dần có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, hiện tại giá bán sản phẩm măng mai khô là 200.000 đồng/kg.
“Với diện tích khoảng 100 ha, mỗi năm, HTX thu trên 400 tấn măng tươi, sản xuất khoảng 5 tấn măng khô. Từ đó, mỗi hộ thành viên có thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm”, anh Triều cho hay.
Phát triển theo hướng bền vững
Chị Hoàng Thị Dét, Bí thư đoàn xã Lâm Thượng cho biết, mô hình HTX Thanh niên Lâm Thượng bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương; phần nào giảm bớt tình trạng người trẻ bỏ làng, bỏ quê đi làm ăn xa.
![]() |
HTX cam sành Lục Yên góp phần tạo dựng thương hiệu, giá trị cam sành, giúp xoá đói giảm nghèo cho người nông dân. |
"Hiệu quả rõ nét nhất mà HTX thanh niên Lâm Thượng mang lại là tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương. Sau một thời gian hoạt động ổn định và mở rộng các mặt hàng, quy mô kinh doanh, HTX hiện đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động nông thôn có công việc ổn định; giúp cho thanh niên có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương", chị Hoàng Thị Dét chia sẻ.
Là địa phương có tiềm năng thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, huyện Lục Yên đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Huyện coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lục Yên xây dựng kế hoạch về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, chuyển các vùng sản xuất phù hợp sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP... Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100 ha, vùng lạc 100ha và trên 1.000 ha cây ăn quả có múi; có 3 HTX được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; toàn huyện có trên 5.000 ha quế; trên 900 ha tre lấy măng; 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh…
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, ngành nông nghiệp huyện đang hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhân dân sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, hướng tới mục tiêu xanh, sạch, hiệu quả kinh tế bền vững.
HTX góp phần xoá đói, giảm nghèo
Thời gian qua, huyện Lục Yên triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về xóa đói giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. Trong đó, việc chú trọng phát triển mô hình kinh tế HTX đang từng bước phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò của địa phương trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống.
Gia đình chị Mã Thị Nhật và anh Nông Văn Trà ở xã Lâm Thượng là một điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Trước năm 2020, gia đình anh chị thuộc diện cận nghèo, tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình HTX và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích trồng măng mai và nuôi thỏ, công việc chăn nuôi và trồng trọt thuận lợi, được HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá trị cao gấp đôi so với trước đây. Nhờ đó, lợi nhuận từ chăn nuôi và trồng trọt đã giúp gia đình anh Trà, chị Nhật từ hộ cận nghèo vươn lên thành hộ khá của xã Lâm Thượng.
Huyện Lục Yên hiện có hơn 30 HTX hoạt động kinh sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dịch vụ và xây dựng; thu nhập bình quân của của thành viên HTX đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá, các HTX trên địa bàn huyện đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh - dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; đã huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, xoá đói giảm nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của huyện.
Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, hướng dẫn thành lập mới HTX; giúp các HTX trong việc đăng ký kinh doanh và hướng dẫn các HTX hoạt động theo đúng các quy định của Luật HTX. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các HTX... để giúp cho hoạt động của các HTX trên địa bàn ngày càng ổn định và phát triển, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoàng Hà