Những chính sách hỗ trợ từ địa phương cùng với sự đồng hành của các HTX đang giúp Yên Phụ hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, "chắp cánh" cho thương hiệu nếp cái hoa vàng của xã ngày càng vươn xa.
Liên kết sản xuất VietGAP
Theo người dân xã Yên Phụ, giống nếp cái hoa vàng của địa phương được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa, thường được dùng để làm các loại bánh, cốm và nguyên liệu sản xuất ra các loại rượu tiến vua.
Trong gần 10 năm trở lại đây, người dân Yên Phụ trồng lúa nếp cái hoa vàng theo mô hình VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái giúp giảm thiểu liều lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường trên cánh đồng của HTX Đức Lân (Ảnh: TL). |
Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Lân cho biết, để phát triển bền vững, HTX tiến hành khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để tiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Nguồn nước tưới được HTX xây dựng kênh mương riêng, dẫn nước sông Cầu vào. HTX tổ chức hàng chục buổi vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP lúa nếp cái hoa vàng cho 100 hộ thành viên.
Sau nhiều năm nỗ lực, hầu hết các thành viên HTX đến nay đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng thuần thục quy trình phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM).
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường, phát triển các loại thiên địch để bảo vệ cây lúa. Các loại hóa chất độc hại được loại bỏ hoàn toàn, rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định để hạn chế ô nhiễm…
Chính việc đảm bảo sản xuất sạch, thân thiện môi trường đã giúp HTX nhanh chóng được cơ quan quản lý công nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Việc hình thành chuỗi liên kết giúp HTX đảm bảo việc thu mua sản phẩm cho 100 hộ thành viên trong vùng sản xuất VietGAP, đồng thời giải quyết đầu ra ổn định cho hơn 400 hộ còn lại.
"Chắp cánh" cho thương hiệu vươn xa
Theo UBND xã Yên Phụ, hiện toàn xã có hơn 250 ha đất lúa, trong đó lúa nếp chiếm 99% với các giống nếp cái hoa vàng, PD2, BM9603...
Thương hiệu nếp cái hoa vàng Yên Phụ ngày càng được nâng cao về uy tín chất lượng (Ảnh TL). |
Những năm qua, sự chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết, đặc biệt là sự ra đời của các HTX như HTX Đức Lân, HTX An Ninh…, đang giúp các mô hình sản xuất lúa nâng cao giá trị.
Năm 2019, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác lúa ở Yên Phụ đạt 114 triệu đồng. Đặc biệt, với sự kiên trì tạo dựng thương hiệu, gạo nếp cái hoa vàng Đức Lân được lựa chọn là một trong số 25 sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2020.
Để khuyến khích người dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, UBND xã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại.
Các hộ sản xuất trên địa bàn xã cũng được tập huấn về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đúng cách để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Định hướng của xã Yên Phụ là sẽ xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, Yên Phụ chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp tiếp tục thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường. Đặc biệt, xã đang hỗ trợ các HTX tìm kiếm đối tác, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để tăng sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu nếp cái hoa vàng mang đặc trưng riêng của Yên Phụ.
Hưng Nguyên