Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TP Hưng Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, bảo đảm tiêu chuẩn để phát triển thành sản phẩm OCOP.
Hỗ trợ thiết thực
Tính đến nay, TP Hưng Yên đã có 7 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 5 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Việc tham gia Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
TP Hưng Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, bảo đảm tiêu chuẩn để phát triển thành sản phẩm OCOP (Ảnh: TL) |
Bắt đầu từ giữa năm 2019, TP Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; tổ chức tập huấn hướng dẫn nội dung chương trình OCOP đến các xã, phường, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Ngay sau khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sẽ được cán bộ chuyên ngành kết nối, hỗ trợ.
Sản phẩm tham gia chương trình OCOP có thể nhận hỗ trợ về: Tập huấn, tư vấn tại chỗ, kết nối các nguồn lực, tập huấn nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại… nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà chương trình OCOP đưa ra.
Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, TP Hưng Yên đã tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm làng nghề, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn…
Một số doanh nghiệp, HTX như: CTCP rau, củ, quả Nhật Việt; HTX nhãn lồng Tiên Châu... được chính quyền các cấp tạo điều kiện đã mạnh dạn đầu tư thuê đất của các hộ nông dân, đất công của xã, quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, tập trung, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc áp dụng vào các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ, đặc biệt đã liên kết các HTX và nhóm hộ nông dân trên địa bàn hình thành một số chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn...
Điển hình của kinh tế hợp tác
Trong chương trình OCOP của TP Hưng Yên, khu vực kinh tế hợp tác được đánh giá cao, đồng thời cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, điển hình như HTX nhãn lồng Tiên Châu (thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam).
Sản phẩm nhãn lồng là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Hưng Yên trong chương trình OCOP (Ảnh: TL) |
HTX được thành lập từ đầu năm 2018 với 26 thành viên, với diện tích trồng nhãn của các thành viên là 11,7 ha. Ngay sau khi thành lập, HTX đã tham mưu với UBND xã ban hành Quyết định về việc kiện toàn tổ công tác chỉ đạo sản xuất và thương mại sản phẩm nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chỉ đạo công tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn. HTX đã phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Phòng Kinh tế TP Hưng Yên, Trung tâm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật TP và các cơ quan liên quan cử thành viên HTX tham gia các hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu năm 2019, Hội đồng quản trị HTX đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện quy trình, kỹ thuật chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hằng năm, HTX tổ chức các hội nghị đầu bờ để trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn các thành viên về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây nhãn và được các thành viên đánh giá cao, cụ thể như: Hội nghị rút kinh nghiệm từng hộ cách chăm sóc cho cây nhãn, quả nhãn, tỉa quả, tỉa cành cho cây ăn, kỹ thuật ra hoa, đậu quả…
Ngoài ra, HTX đã tham gia Hội nghị kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm nhãn quả tỉnh Hưng Yên, Hội chợ Ecopack Văn Giang, Hội chợ nhãn lồng Hưng Yên tại TP Hà Nội... Đồng thời, đã kết nối cung cầu với các đơn vị, siêu thị lớn khu vực miền Bắc để tiêu thu sản phẩm nhãn lồng của các thành viên HTX và nhân dân trong vùng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị HTX đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm nhằm tiêu thụ thị trường nội địa, các siêu thị trong nước và hướng xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Đến nay, HTX đã ký liên kết với 2 tập đoàn và nhiều công ty, siêu thị để tiêu thụ nhãn trong và ngoài nước.
Từ những việc làm tích cực trên của HTX cũng như sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh, TP Hưng Yên và xã Hồng Nam, HTX đã phát triển ngày càng lớn mạnh cả về số lượng thành viên và năng suất lao động. Đầu năm 2019, HTX đã kết nạp thêm 9 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 35 thành viên, tổng diện tích nhãn sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 14,6 ha. Tổng sản lượng nhãn năm 2019 do các thành viên của HTX sản xuất đạt 306 tấn, tăng 125% so với năm 2018, với trị giá 9,198 tỷ đồng...
Trong thời gian tới, để hoạt động đạt được hiệu quả cao hơn nữa, HTX tiếp tục mở rộng diện tích nhãn sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 25ha, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nhân dân. Bên cạnh đó, thành lập tổ chỉ đạo về kỹ thuật để hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc cây nhãn mang lại chất lượng, hiệu quả cao. Ngoài ra, thực hiện việc chuyển đổi dần các cây nhãn có chất lượng kém sang giống nhãn có chất lượng cao như: nhãn lồng, nhãn đường phèn, cơ cấu trà vụ hợp lý (20% trà sớm, 60% trà trung, 20% trà muộn); đa dạng hóa các sản phẩm nhãn quả (quả tươi, long nhãn, nhãn đóng hộp) để tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đức Nguyễn