Làng nghề nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là làng nghề làm nước mắm duy nhất của cả nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề làm mắm cổ truyền của cha ông để lại.
Đề án được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phê duyệt ngày 31/3/2020. Tổng kinh phí dự trù 4,665 tỷ đồng (chưa tính kinh phí chỉnh trang đô thị trong làng nghề và đầu tư khu trưng bày làng nghề).
Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô
Làng nghề nước mắm Nam Ô (Ảnh: Tư liệu) |
Trải qua nhiều thăng trầm, cũng có thời gian tưởng chừng như bị quên lãng, nhưng đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô đã được phục hồi và phát triển.
Làng nước mắm Nam Ô được hình thành trên 400 năm. Đây là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước. Vang danh gần xa bởi vị mặn của vùng biển miền Trung với bí quyết làm nước mắm 3 cá 1 muối riêng biệt, hiện có hơn 100 hộ dân gắn bó với nghề làm nước mắm Nam Ô.
Với những người tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô, sau khi Đề án được phê duyệt thì có thêm động lực và niềm tin để kiên trì tiếp nối nghề của cha ông để lại. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất tiếp tục mạnh dạn nâng cao chất lượng, mở rộng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đưa nước mắm truyền thống Nam Ô từng bước vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
Anh Phan Công Quang - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng, nếu đề án này hỗ trợ cho người dân làng nghề phát triển sản phẩm thì rất tốt, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất giới thiệu sản phẩm ở các thị trường xa; đầu tư trang thiết bị, máy móc trong việc sản xuất nước mắm...
Là người thừa hưởng bí quyết làm mắm gia truyền qua nhiều đời ở làng nghề làm nước mắm Nam Ô, anh Quang đã kêu gọi những hộ gia đình làm mắm ở làng chài Thủy Tú dưới chân đèo Hải Vân cùng hợp tác.
Năm 2006, HTX ra đời với 6 xã viên ban đầu (nay phát triển lên 9 thành viên), trong đó thành viên trẻ nhất chưa đầy 30 tuổi, nhưng cũng có thành viên giờ đã quá tuổi cổ lai hy, từng muối mẻ mắm đầu tiên khi mới 10 tuổi và chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề.
Anh Quang chia sẻ:“Chính nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ngày nay nước mắm Nam Ô đã xây dựng được thương hiệu có tên Ô Long. Giờ đây, những người trẻ tiếp nối nghề làm mắm bằng diện mạo mới đầy táo bạo. Chúng tôi đang dần hái những trái ngọt”.
Mỗi năm, HTX sản xuất ổn định khoảng 25.000 - 30.000 lít, với thương hiệu mắm nhỉ Nam Ô. Nhưng tiêu chí, nguyên tắc chung và mối quan tâm lớn của HTX là chất lượng. Cá cơm than dùng để muối mắm được lựa chọn kỹ càng, tươi xanh. Muối cũng phải chọn hạt to, mua từ những nơi danh tiếng. Thời gian muối cá cũng đúng quy trình 1-2 năm…
Hiện tại, nước mắm Nam Ô và thương hiệu nước mắm Ô Long cũng đang dần khẳng định “vị trí” trong bữa ăn hằng ngày của nhiều người dân Việt Nam. Trong tương lai gần, HTX sẽ nghiên cứu, đưa ra thị trường những loại nước mắm phù hợp với từng đối tượng. Hiện tại, HTX đã sản xuất nước mắm cá cơm nguyên chất dành cho trẻ em và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Không chỉ là ở bảo tồn làng nghề theo hướng bền vững mà còn phải bảo đảm để những người dân làm nghề sống được bằng nghề làm nước mắm Nam Ô. Có phát triển bền vững thì mới có thể khai thác du lịch bền vững, đưa làng nghề trở thành sản phẩm du lịch, một điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết tới.
Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, nhiều hộ dân của làng đã tham gia các buổi giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề nước mắm Nam Ô; hướng dẫn quy trình làm nước mắm Nam Ô, đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm về ẩm thực địa phương.
Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô giới thiệu về phương pháp làm mắm theo công thức gia truyền “ 3 cá 1 muối” (Ảnh: Tư liệu) |
Theo Đề án, có các mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, trong đó đạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200.000 - 250.000 lít/năm; nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để tạo thương hiệu; tăng thu nhập bình quân đầu người từ nghề đạt 3 - 4 triệu đồngtháng năm 2021 và đạt 4,5 - 5 triệu đồng/tháng vào năm 2025..., xây dựng làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch của TPP Đà Nẵng nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương...
Làng nghề nước mắm Nam Ô có nhiều lợi thế vì đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, giờ lại được TP Đà Nẵng ban hành đề án bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch, nghĩa là được sự quan tâm của các cấp, ngành…
Như vậy, nước mắm Nam Ô là một thương hiệu nổi tiếng, để thu hút khách du lịch, cần các sản phẩm dịch vụ xoay quanh trục thương hiệu này. Nghĩa là du khách đến tham quan làng nghề có thể trải nghiệm dịch vụ, thưởng thức sản phẩm, mua về. Muốn làm được thì cần có sự chung tay của cộng đồng, phải tạo ra một sản phẩm chuẩn của nước mắm Nam Ô, có nơi để người dân trưng bày, giới thiệu sản phẩm, người dân phải được đào tạo các kỹ năng phát triển du lịch…
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long Phan Công Quang cho rằng, việc bảo tồn làng nghề nước mắm là rất cần thiết vì nước mắm Nam Ô là thương hiệu chung của cả làng nghề. Riêng thành phẩm của mỗi đơn vị sản xuất là khác nhau vì mỗi người có một bí quyết sản xuất riêng; do đó, để gắn việc bảo tồn làng nghề với phát triển du lịch cần có định hướng phát triển cụ thể.
“Như tại HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long có thể mở cửa miễn phí cho khách du lịch tham quan. HTX sẽ trình diễn các thao tác lọc mắm, chiết mắm… cho du khách thấy và thử thành phẩm, để rồi du khách có thể mua về hoặc không mua cũng không sao; bởi quan điểm của HTX là khách du lịch đến chính là một kênh để quảng bá sản phẩm nước mắm. Khách thấy, thích, mua về sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân…”, ông Quang nhấn mạnh.
Đan Nam