Trong 5 năm gần đây, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, lĩnh vực kinh tế hợp tác của tỉnh có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Thành quả đáng ghi nhận
Hoạt động sản xuất – kinh doanh của các HTX ở lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất – kinh doanh, có tác động tích cực trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương; góp phần quan trọng trong việc khai thác nguồn lực; tham gia tạo ra sản phẩm mới cho thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Võ Bảy – Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết:“Nhiều đơn vị đã mạnh dạn đổi mới tổ chức bộ máy, tập trung đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới”.
Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận đạt hạng 4 sao OCOP (Ảnh: Internet) |
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn hoạt động và giá trị tài sản của các HTX trên toàn tỉnh đạt hơn 1.792,8 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 2,75 tỷ đồng, tăng gần 1,65 tỷ đồng so với cách đây 5 năm. Năm 2019, lãi gộp bình quân của mỗi HTX là 550 triệu đồng, tăng 85 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong các HTX là 4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng so với năm 2015.
Để có được những thành quả trên là nhờ sự nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên các HTX hoạt động trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, quỹ tín dụng nhân dân, y tế, du lịch, quản lý chợ, môi trường…
Theo ông Hồ Dậy – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam: “Trên một số lĩnh vực, các HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả cao cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống của người dân”.
Năm 2018, Tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam đã lựa chọn, hướng dẫn HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa xây dựng hồ sơ, thủ tục tiếp cận chính sách của Liên minh HTX Việt Nam để thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm gạo an toàn và bánh tráng. Đến nay, mô hình này đã thành công. Năm 2019, Liên minh HTX Quảng Nam lựa chọn thêm 18 HTX có sản phẩm tiềm năng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị HTX kiểu mới, kỹ năng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phối hợp với Tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam khảo sát, lựa chọn HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2 (Duy Xuyên) xây dựng chuỗi giá trị gạo an toàn.
Hiện thực hóa những mục tiêu sắp tới
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 355 HTX hoạt động, trong đó có 281 HTX nông nghiệp, 16 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 13 HTX giao thông vận tải, 16 HTX thương mại – dịch vụ, 3 quỹ tín dụng và 26 HTX hoạt động trên các lĩnh vực khác, với tổng số 228.627 thành viên, số lao động làm việc trong khu vực HTX là 2.245 người.
Từ nay đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu thành lập mới từ 300 – 500 tổ hợp tác, 180 – 200 HTX, 4 liên hiệp HTX. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất từ 2 – 3 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 4 – 5%/năm; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 3 – 6%/năm; lãi bình quân của HTX tăng từ 2 – 5%/năm. Có ít nhất 20% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.. Phấn đấu đến năm 2025 có 85% HTX hoạt động có hiệu quả.
Theo đó, các ngành, các cấp cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, nhất là về nguồn vốn. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ HTX; thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng bài bản chiến lược sản xuất – kinh doanh; tích cực giúp các HTX liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Theo Liên minh HTX tỉnh, nông thôn nhất thiết phải mở HTX để làm cầu nối giữa doanh nghiệp - nông dân, kết nối sản xuất, tiêu thụ. Giúp HTX mạnh, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhật Nam