Nam Thái Sơn những năm qua nổi lên như một trong những điểm sáng trên địa bàn huyện Hòn Đất về sản xuất lúa theo hướng hiện đại, hình thành chuỗi giá trị. Hiện, trên 90% diện tích lúa triển khai ở xã có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ…
Hình thành sản xuất lớn
HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đang là đơn vị điển hình trong phát triển sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ nông dân ở Nam Thái Sơn.
Nam Thái Sơn đang phát triển mạnh cánh đồng lớn (Ảnh TL). |
Ông Lê Tấn Đức, Giám đốc HTX, cho biết trong bối cảnh hội nhập, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, người nông dân bắt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất lớn.
Theo đó, trong những năm qua, HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã tích cực vận động, thu hút các hộ dân trên địa bàn xã Nam Thái Sơn tham gia vào chuỗi sản xuất, đồng bộ hóa quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Đến nay, toàn xã đang có trên 647 ha sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, thu hút gần 100 hộ nông dân tham gia. 100% nông dân vào HTX thực hiện tốt các quy trình sản xuất như sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng tốt kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm", từ đó tăng giá trị sản xuất.
Trong đó, “1 phải, 5 giảm” tức là phải sử dụng giống xác nhận hoặc nguyên chủng, giảm chi phí giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới (tưới nước tiết kiệm), thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sấy để giảm thất thoát.
Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái nên chất lượng hạt lúa Nhật DS1 do HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Lợi nhuận của thành viên HTX tăng 20 - 25% so trước đây. Chính điều này càng tạo thêm niềm tin để nông dân đẩy mạnh hợp tác cùng HTX.
Nâng cao giá trị hạt gạo
Đại diện UBND xã Nam Thái Sơn cho biết sau hơn 10 năm triển khai sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, với giống lúa Nhật DS1 chủ lực, các mô hình đang cho thấy những ưu điểm vượt trội không chỉ về kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn cho giá trị cao hơn (Ảnh TL). |
Về chất lượng, lúa canh tác trên cánh đồng lớn đạt năng suất 7 – 9 tấn/ha, chi phí đầu vào dao động ở mức 2 - 2,2 triệu đồng, lợi nhận đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đặc biệt, lúa có chất lượng vượt trội nên thu hút doanh nghiệp, giá bán luôn ổn định.
“Lúa sạch, mẫu mã đẹp, thơm ngon lên doanh nghiệp rất mê. Có những thời điểm có đến 15 doanh nghiệp tìm về xã liên kết với HTX, người nông dân để bao tiêu lúa Nhật DS1", đại diện UBND xã Nam Thái Sơn phấn khởi cho hay.
Về môi trường, việc áp dụng sản xuất VietGAP, hữu cơ giúp loại bỏ hoàn toàn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, góp phần giảm thiểu các loại rác thải, đặc biệt là các loại bao bì ni lông, chai lọ nhựa…
Ưu điểm lớn nhất trên những cánh đồng lớn là việc hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX, doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, các doanh nghiệp hợp đồng liên kết với HTX theo hình thức doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật; HTX chỉ đạo sản xuất, kết nối các hộ nông dân.
Trong trường hợp giá lúa tăng, hai bên sẽ chia đôi hai phần chênh lệch. Nếu giá lúa giảm, doanh nghiệp sẽ đảm bảo mua theo giá sàn. Với phương thức trên, "nút thắt" trong sản xuất lúa là thị trường được tháo gỡ, giúp nông dân an tâm, tin tưởng hơn vào mô hình sản xuất mới.
Theo UBND xã Nam Thái Sơn, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các cánh đồng mẫu lớn, hình thành chuỗi liên kết giữa HTX, doanh nghiệp, người dân, phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, thân thiện môi trường, từ đó tạo ra những giá trị bền vững.
Nhật Minh