Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện Nam Định có 13 HTX chuyên về NTTS với hàng trăm hộ nông dân tham gia liên kết thành lập HTX NTTS.
Điển hình như ở HTX dịch vụ NTTS Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường), HTX khai thác thủy sản Ngọc Lâm (xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng), HTX NTTS Tây Chùa (xã Yên Trung, huyện Ý Yên)…
Mô hình sản xuất hiệu quả
Hiệu quả hoạt động của HTX NTTS ở các địa phương đã được khẳng định rõ. Với vai trò đại diện tập thể, các HTX NTTS đã đứng ra giúp thành viên tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Hàng năm, các HTX cung cấp con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như chép lai ba máu, rô phi đơn tính, cá trôi, cá mè, cá trắm đen, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song... kết hợp với cung cấp thức ăn NTTS.
Không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả cá, từ việc lựa chọn, ươm cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, các thành viên trong HTX còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã có chuyển biến tích cực.
Các HTX cũng huy động các nguồn lực để mở đại lý thức ăn thủy sản, trước hết phục vụ cho các thành viên trong HTX và sau đó là cho các hộ nuôi trồng.
Được biết, thông qua dịch vụ của HTX, các hộ thành viên có thể mua cám công nghiệp rẻ hơn 10 - 12% so với mua giá thông thường.
Nhờ sự hợp tác, cùng nhau làm kinh tế, đến nay, hầu hết các hộ trong các HTX có doanh thu bình quân hơn 150 triệu đồng/năm trở lên, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. Các thành viên hoàn toàn tin tưởng vào HTX, nhiều HTX phát huy được vai trò của mình trong hỗ trợ sự phát triển kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho thành viên.
Hoạt động hiệu quả của các HTX cũng góp phần tích cực vào việc hoàn thành tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về mô hình sản xuất hiệu quả.
Thành viên HTX Mỹ Hà (Mỹ Lộc) thu hoạch cá trắm đen |
Tập hợp nông dân cùng nhau liên kết
Với tư cách là đại diện tập thể xã viên, các HTX thủy sản đóng vai trò “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, các HTX cũng vừa chủ động nguồn cung con giống, vừa bảo đảm cung cấp thức ăn công nghiệp cho các thành viên.
Đến nay, nhìn chung các mô hình HTX NTTS đã trực tiếp thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thủy sản ở các địa phương phát triển theo hướng hiệu quả bền vững; là nhân tố cơ bản giúp nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập của người sản xuất.
Theo ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, các mô hình HTX NTTS trên địa bàn đã có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc chuyển đổi ruộng trũng, cải tạo ao, hồ mặt nước gắn với phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, chuyên canh.
Tuy đã từng bước khẳng định rõ hiệu quả trong thực tiễn song đến nay, các mô hình HTX NTTS trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp những khó khăn nhất định, như việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng đầu tư (do không có tài sản thế chấp); việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; việc tìm thị trường đầu ra ổn định cho các mặt hàng thuỷ sản… Chính những vấn đề này đã và đang hạn chế hiệu quả hoạt động NTTS.
Được biết, trong thời gian tới, để các mô hình HTX NTTS tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, chính quyền các cấp sẽ tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với tinh thần “chung tay cùng người nông dân khởi nghiệp”.
Có như vậy, các HTX thủy sản ở các địa phương mới thực sự là “hạt nhân” để tập hợp các hộ nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng trũng và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Hoàng Tuấn