Vùng lòng hồ Thủy điện sông Chừng với tổng diện tích mặt nước trên 225 ha là môi trường lý tưởng, phù hợp phát triển kinh tế từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và hoạt động du lịch sinh thái.
Nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch
Giai đoạn đầu khi hồ thủy điện mới được hình thành, tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản tự do, khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Để quản lý, khai thác gắn với nuôi trồng, tái tạo nguồn thủy sản, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năm 2014, UBND huyện Quang Bình thành lập THT quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng.
THT thu hút 55 hộ thành viên trên địa bàn các xã Tiên Nguyên, Tân Nam và thị trấn Yên Bình tham gia. Mục tiêu hoạt động của THT là liên kết quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn thủy sản bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, tái tạo nguồn thủy sản và nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ.
Mỗi tổ viên quản lý, khai thác thủy sản theo từng khu vực, từ 500 m2 đến trên 2 ha diện tích mặt hồ. THT họp định kỳ hàng tháng, qua đó các tổ viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt thủy sản, kiểm soát quản lý trong quá trình khai thác thủy sản để bảo đảm nguồn lợi thủy sản ổn định.
Hàng năm, các thành viên THT tự nguyện gây quỹ với định mức 1 triệu đồng/thành viên để mua cá giống nuôi trồng, tái tạo nguồn thủy sản lòng hồ; chủ yếu là các loại cá: Chép, Mè, Trắm…
Sau gần 5 năm thành lập, THT đã hoạt động ổn định, ý thức trách nhiệm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các thành viên được nâng lên, số lượng thành viên tham gia cũng tăng lên. Sản lượng cá đánh bắt được hơn 4,5 tấn mỗi năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, thu nhập bình quân của mỗi thành viên khoảng 20 triệu đồng/năm. Năm 2017, THT đã phối hợp với chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Chừng thả 500 kg cá giống xuống lòng hồ để nuôi trồng, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Anh Triệu Mềnh Sinh kiểm tra lồng nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng |
Hoàn thành tiêu chí số 13
Anh Triệu Mềnh Sinh - thành viên THT, cho biết để quản lý, đánh bắt, nuôi trồng nguồn thủy sản hiệu quả, anh đã đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng khu đánh bắt thủy sản lòng hồ và 4 lồng nuôi cá giống các loại. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, lá chuối, bột ngô, sắn. Việc vệ sinh môi trường khu đánh bắt và lồng nuôi cá được thực hiện thường xuyên, bảo đảm cá sinh trưởng khỏe mạnh, không để xảy ra dịch bệnh.
“Nhờ đánh bắt cá tự nhiên và nuôi thả cá lồng, mỗi năm gia đình tôi thu được 20 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn nuôi trâu, lợn và trồng lúa, rau màu... mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng”, anh Sinh chi biết.
THT đã giúp những thành viên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, hướng tới vươn lên làm giàu. Hiệu quả hoạt động của THT cũng thiết thực đóng góp vào việc hoàn thành tiêu chí số 13 của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Để THT tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn thủy sản trên hồ Thủy điện sông Chừng, đồng thời phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, thời gian tới, huyện Quang Bình sẽ tạo điều kiện để các thành viên THT vay vốn theo chương trình cho vay đầu tư có thu hồi để đầu tư con giống, xây dựng hệ thống lồng nuôi cá.
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ nuôi cá lồng cho THT; thu hút đầu tư phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản.
“Huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển tour du lịch sinh thái lòng hồ gắn với tham quan di tích đình Bản Chún (xã Tân Nam), tắm thác, câu cá và thưởng thức ẩm thực địa phương…”, ông Phùng Viết Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết.
Vũ Yến