Từ việc chế biến dong riềng và sản xuất thủ công mỹ nghệ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một số hộ gia đình tại Nà Tấu đã liên kết và đầu tư cơ sở vật chất để tăng giá trị kinh tế, giải bài toán ô nhiễm môi trường.
Hạn chế chất thải
Đến với Nà Tấu hôm nay không khó để nhận thấy bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Nhờ chế biến dong riềng theo quy mô lớn, thu nhập của người dân địa phương tăng lên đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đầy đủ hơn, môi trường đã được cải thiện tạo không gian sống lành mạnh cho người dân trong xã.
![]() |
Chế biến dong riềng ở HTX Hồng Đức |
Để có được điều này là do người dân nơi đây đã tìm tòi, nghiên cứu mô hình chế biến dong riềng đi đôi với xử lý chất thải vốn là vấn nạn của địa phương. Trong đó có thể nhắc đến HTX sản xuất-kinh doanh các sản phẩm dong riềng Hồng Phức, thành lập năm 2107. Đến nay, HTX đã mở 5 xưởng chế biến bột dong riềng ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh.
HTX đã xây dựng các bể lắng để lắng các chất cặn bã, độc hại, làm cho nước trong sau đó mới thải ra môi trường, còn bã thải sẽ được ủ làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Một phần bã củ dong riềng cũng được HTX sử dụng ủ chua để làm thức ăn chăn nuôi bò. Trung bình mỗi năm, HTX chế biến được 3 tấn thức ăn phục vụ chăn nuôi, 6-8 tấn phân bón phục vụ sản xuất lúa. Hệ thống bể lắng cũng giúp HTX xử lý trung bình 100m3 nước/ngày.
Đi đôi với việc sản xuất, HTX còn cùng chính quyền hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho 150 lượt người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, các bước chế biến bã dong riềng, kỹ thuật xử lý nước thải, xây dựng các bể lọc... Người dân sau khi được tập huấn đã nâng cao nhận thức, đồng thời ứng dụng các công nghệ vào sản xuất và chế biến góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, ngoài chế biến củ dong riềng thành các loại miến cung cấp cho thị trường, HTX còn mở trang trại hơn 50ha trên đỉnh đèo Tằng Quái để phát triển khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng cây mắc ca. Mô hình sản xuất của HTX được đánh giá cao vì thân thiện với môi trường, đem lại giá trị kinh tế cho thành viên và người dân.
Sản xuất thân thiện
Chung tay góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Nà Tấu là HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu. Khi đi vào sản xuất, HTX đã được Sở NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để đầu tư các thiết bị chuyên dụng, máy chẻ, tuốt mây tre hiện đại, để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất.
Sản phẩm của HTX được làm hoàn toàn từ thiên nhiên như mây, tre, không sử dụng hóa chất, các loại sơn hóa học gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các nguyên liệu đều được tận dụng làm những sản phẩm phù hợp để hạn chế rác thải.
![]() |
HTX mây tre đan Nà Tấu gắn sản xuất với bảo vệ môi trường |
Song song với sản xuất hàng hóa, HTX cũng chú trọng bảo đảm vùng nguyên liệu bằng cách trồng thêm các giống tre và mây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Việc này không chỉ bảo đảm nguyên liệu sản xuất và còn tránh tình trạng khai thác tài nguyên tận diệt.
Sản xuất hiệu quả, có đầu ra ổn định, HTX thu hút các hộ dân ở các bản Nà Tấu 1, 2, 3 đăng ký tham gia, sản xuất tập trung. Mỗi năm HTX xuất ra thị trường hàng nghìn sản phẩm các loại với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Lào Cai, Tp. Điện Biên Phủ và U Đôm Xay (CHDCND Lào). Số lượng đơn đặt hàng của HTX cũng ngày một tăng, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng.
Có thể thấy, sự đi đầu của các HTX sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường đã trở thành tấm gương hiệu quả để các cơ sở sản xuất, người dân trên địa bàn xã Nà Tấu học tập. Theo UBND xã, đến cuối năm 2018, đã có 9 cơ sở sản xuất miến từ dong riềng và hàng chục hộ liên kết với HTX mây tre đan đã ký cam kết bảo vệ môi trường.
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 300ha trồng dong riềng, cùng với đó là 10 cơ sở sơ chế, chế biến dong riềng, hàng chục hộ sản xuất thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên nhờ nâng cao ý thức sản xuất, môi trường nông thôn tại Nà Tấu bắt đầu có chuyển biến tích cực, giảm thiểu mùi khó chịu từ sản xuất.
Thời gian tới, HTX tiếp tục vận động người dân liên kết sản xuất tập trung theo mô hình HTX, Tổ hợp tác, hướng đến đầu tư hệ thống chế biến, xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua sản xuất bền vững của người dân.
Huyền Trang