So với nhiều huyện trong tỉnh, Nga Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, huyện ven biển này đang vươn lên thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, nông nghiệp chính là một trong 2 khâu đột phá của huyện.
Hiệu quả từ liên kết sản xuất
Dựa trên những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của một vùng đất ven biển, huyện Nga Sơn đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào canh tác.
Các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Nga Sơn. |
Trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang ghi dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò liên kết, trở thành điểm tựa vững vàng cho nông dân trong sản xuất, mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường.
Điển hình như HTX nông nghiệp Nga Yên (xã Nga Yên) đang có được nhiều thành công nhờ sự chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, chú trọng phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, linh hoạt thích ứng với những biến động thị trường.
Giám đốc Mai Đăng Bắc cho biết, hàng năm, HTX Nga Yên cung ứng hơn 2 tấn giống lúa phục vụ sản xuất, 1.900 khay mạ gieo cấy bằng máy cho diện tích hơn 80 ha, còn lại tổ chức sản xuất 140 ha đất lúa-màu, chuyên màu giúp giá trị kinh tế tăng 20% so với sản xuất đại trà.
Đến nay, HTX đã liên kết và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp, như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt... bảo đảm đầu ra cho nông sản của các thành viên.
Để có được thành công hiện tại, trong nhiều năm qua, HTX đã hỗ trợ thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh thực phẩm, môi trường sinh thái, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Đơn cử, để nâng cao giá trị mô hình sản xuất rau an toàn, HTX tổ chức các buổi tập huấn, giúp thành viên, nông dân liên kết nắm chắc và triển khai hiệu quả quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây ô nhiễm môi trường được loại bỏ.
Thay vào đó, các hộ sản xuất ưu tiên sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường. Các loại rác thải phát sinh, đặc biệt là bao bì ni lông, chai nhựa… được HTX thu gom, xử lý đúng theo quy định.
Hình thành chuỗi giá trị
Tương tự, HTX nông nghiệp Nga Trường (xã Nga Trường) cũng liên tục có những bước tiến bền vững nhờ thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị, chú trọng bảo vệ môi trường.
Nga Sơn chủ động dồn lực phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái. |
Từ đầu năm 2019 đến nay, HTX đang hợp tác liên kết sản xuất 15 ha rau cải bó xôi với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để xuất khẩu đi Nhật Bản; hợp tác sản xuất 4 ha khoai tây cao sản với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Việt Nam; hợp tác sản xuất 1,5 ha hành hoa với Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Nhiên Xanh...
Ông Bùi Văn Hồng, Giám đốc HTX cho hay, hợp tác với doanh nghiệp giúp HTX giải quyết bài toán thị trường, song cũng tạo ra những áp lực không nhỏ trong việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo đó, trong quy trình sản xuất, HTX áp dụng sản xuất VietGAP để tạo ra những sản phẩm siêu sạch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa có mẫu mã đẹp.
Các tiêu chuẩn về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của HTX cũng được siết chặt theo hướng an toàn sinh thái. Đơn cử, các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục (được xử lý vi sinh kỹ lưỡng) được các hộ sản xuất ưu tiên, sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Có thể thấy, với sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác, ngành nông nghiệp huyện Nga Sơn thời gian qua đã có những bước chuyển mạnh mẽ theo hướng liên kết 4 bên gồm nông dân, HTX, doanh nghiệp và địa phương.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Nga Sơn cho biết, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác quy hoạch ruộng đất, dồn điền đổi thửa, khuyến khích nông dân, các thành phần kinh tế tích tụ đất đai để phát triển sản xuất lớn. Nhiều chính sách đặc thù của huyện cũng hướng tới giúp nông dân chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục dồn các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn sinh thái, hình thành chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết HTX, nông dân với các với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đầu vào, đầu ra, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Lệ Chi