Được UBND xã Hà Tiến khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, gia đình ông Đỗ Văn Quý, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Hà Tiến đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi... để nâng cao thu nhập.
Lợi ích từ phụ phẩm nông nghiệp
Ông Quyết cho biết, khi được cán bộ nông nghiệp của xã và Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ cao hơn, kiên cố để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ.
Không những thế, ông còn sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và nền đáy ruộng nuôi cá, giúp nâng cao sức đề kháng của cá, giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi, đồng thời giúp hạn chế vi khuẩn có hại, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá.
Mô hình cá - lúa kết hợp là hướng đi hiệu quả cho các vùng đồng trũng. (Ảnh MH) |
Bên cạnh đó, các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, thóc rụng và cả các loài dịch hại cây lúa như sâu, rầy... cũng được gia đình ông Quyết tận dụng làm thức ăn giúp cá phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua thức ăn. Phân cá làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt.
“Mô hình cá - lúa kết hợp này mang lại hơn 100 triệu đồng/năm cho gia đình tôi. Ngoài ra, khi chuyển đổi sang mô hình này còn giúp luân canh, cải tạo đất tốt hơn, giảm chi phí làm đất cho vụ sau”, ông Quyết phấn khởi nói.
Được biết, đến nay, toàn xã Hà Tiến đã chuyển đổi được gần 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình cá – lúa, đồng thời kết hợp diện tích mặt nước để chăn nuôi vịt, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện toàn xã có 3 Tổ hợp tác phát triển mô hình. Để nhân rộng, xã đang tích cực hỗ trợ thành lập các HTX, khuyến khích người dân liên kết sản xuất khoa học.
Tương tự, tại xã Hà Long, hiệu quả của mô hình cá – lúa đang tạo sức hút với người dân. Xuất phát với chỉ vài hộ trong vụ đầu năm 2015, đến nay toàn xã đã có gần 50 hộ tham gia, không ít hộ còn mạnh dạn thả nuôi thêm tôm, cua để tăng hiệu quả kinh tế.
Địa phương đồng hành cùng người dân
Anh Phạm Hữu Dũng, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Hà Long, đang phát triển gần 2 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo anh Dũng, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, anh cùng các thành viên Tổ hợp tác đã chủ động sản xuất theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, làm đất.
Hà Trung dự kiến sẽ tiếp thêm động lực để mở rộng mô hình cá - lúa, mang lại lợi ích bền vững cho người dân. (Ảnh MH) |
Ngược lại, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá góp phần tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thức ăn không bị tồn đọng, phân hủy.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hà Trung, những năm qua, để biến khó khăn của những vùng sâu trũng thành lợi thế, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo UBND các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng cải tạo mặt ruộng để đào ao, đắp bờ nhằm chuyển đổi diện tích đất sâu trũng trồng 1 vụ lúa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ người dân về áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cá có năng suất, chất lượng cao.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình cá - lúa. Đối tượng nuôi chủ yếu các loại cá truyền thống, như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá rô phi... Một số xã có diện tích chuyển đổi nhiều, như Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân, Hoạt Giang, Hà Châu, Hà Yên...
Các kết quả thực tế cho thấy đây là mô hình đã và đang mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch; ngoài ra, còn giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá...
Hiệu quả kinh tế của mô hình cao gấp 2,5 đến 3 lần so với trồng lúa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực hỗ trợ, mở rộng mô hình, tăng cường vai trò của các HTX, tổ hợp tác để hình thành liên kết, nâng cao sức cạnh tranh thị trường.
Nhật Minh